Tại 1 lớp năng khiếu năng khiếu võ thuật, những em nhỏ được tuyển dụng từ khi mới chỉ ở lứa tuổi nhi đồng. Nếu như việc tuyển sinh được thực hiện đại trà, chỉ chọn ra 1 lớp cho các em có tố chất tiếp cận với thể thao rồi tập luyện cho vui thì nhà tuyển dụng có thể có được 1 lớp với hàng trăm cháu. Còn để đạt được mục đích tuyển dụng cho 1 lớp năng khiếu và gia đình đồng ý cho con em mình đi theo con đường thể thao chuyên nghiệp thì số lượng những em được tuyển dụng lại chỉ có thể được đếm trên đầu ngón tay.
Câu chuyện ở đây là: Đa số các bậc phụ huynh chỉ muốn cho con em mình tiếp cận với thể thao cho khỏe, cho vui chứ không có ý định cho các em đi theo hướng thể thao chuyên nghiệp, đấy là chưa kể năng lực của người trực tiếp tuyển dụng có nhìn ra được tố chất cần thiết để phát triển thể thao trong 1 chu kỳ dài hay không.
Mặc dù khi đã được lựa chọn để vào đội tuyển năng khiếu, những em nhỏ này sẽ được nhà nước nuôi dưỡng, chăm sóc và đảm bảo cho các em mọi chi phí về tập luyện cũng như việc học văn hóa. Các em sẽ được học nội trú và được về thăm gia đình vào dịp cuối tuần. Ở môn TDDC - cứ đến 16 tuổi trở lên tức là sau khoảng 10 năm được tuyển dụng, các em mới được đi thi đấu. Trải qua một quá trình dài tập luyện gian khổ, số lượng này sẽ còn ít hơn nữa khi chỉ 1 vài em được góp mặt vào ĐTQG.
Không như các môn Võ thuật hay TDDC, môn cử tạ lại đặc biệt khó khăn hơn trong khâu tuyển chọn VĐV năng khiếu. Không nhiều gia đình muốn cho con em mình tập luyện do sự khắc nghiệt đặc thù của môn thể thao này. Trung bình trong mỗi buổi tập, các lực sĩ cử tạ phải gánh trên người nhiều tấn tạ. Việc gặp rủi ro cao và hệ quả sau những buổi tập nặng này là điều không tránh khỏi. Vì vậy, sự khắc nghiệt của môn cử tạ luôn là rào cản lớn đối với các nam VĐV và đặc biệt là phái nữ.
Hầu hết các VĐV đến với thể thao từ niềm đam mê. Tuy nhiên, sẽ có 1 tương lai nào cho các VĐV về sau này thì lại là câu trả lời khó của những người trực tiếp đi tuyển dụng.
Trong số hàng nghìn VĐV thể thao chuyên nghiệp sẽ có bao nhiêu nhà VĐTG? Bao nhiêu VĐV thi đấu và tỏa sáng ở đấu trường thể thao cấp châu lục và khu vực? Chế độ đãi ngộ đặc thù cho những VĐV đó sẽ ra sao? Họ sẽ làm gì và sẽ có 1 sự nghiệp như thế nào khi kết thúc công việc của 1 VĐV thể thao đỉnh cao? Đây cũng là 1 bài toán nan giải của không chỉ những nhà tuyển dụng mà còn là 1 sự trăn trở của ngành thể dục thể thao.