Củ Chi Đất thép thành đồng đã trở thành tên gọi huyền thoại từ trong các cuộc kháng chiến cứu nước. Đó cũng là quê hương của cố thủ tướng Phan Văn Khải, người được mệnh danh là lãnh đạo - nhà kỹ trị có nhiều đóng góp âm thầm cho đất nước. Thế hệ số hôm nay sẽ cùng các bạn trở lại với vùng đất này để hiểu hơn về con người của cố Thủ tướng Phan Văn Khải.
Nằm cách trung tâm thành phố HCM hơn 50km, Củ Chi được mệnh danh là vùng đất thép thành đồng. Trong thế kỷ trước, quân và dân đã duy trì cuộc kháng chiến vĩ đại từ những địa đạo ngầm trong lòng đất. Cuộc chiến trong lòng đất của quân và dân Củ Chi là kỳ tích, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thế kỷ 20, đã ghi vào lịch sử dân tộc và nhân loại. Trong chiến tranh, nước mắt và cả máu của người dân Củ Chi đã quyện vào lòng đất, trở thành sức mạnh quật cường làm cho quân thù khiếp đảm khi mỗi lần đặt chân tới nơi này.
Chất thép từ mảnh đất đã hun đúc nên những người con ưu tú như: ông Tô Văn Đực là Dũng sĩ diệt xe tăng với biệt danh "Anh hùng mìn gạt"; Trung đội nữ du kích Củ Chi, hàng trăm hàng ngàn những con người anh dũng khác. Củ Chi cũng là quê hương của cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Khi nhắc về quê hương mình, cố Thủ tướng Phan Văn Khải từng nói: "Trong chiến tranh, Củ Chi là nơi đầu sóng ngọn gió, nhân dân đã đồng lòng đánh đuổi giặc, giờ chúng ta phải làm sao để xứng đáng với điều đó. Chúng ta phải nỗ lực giữ gìn và xây dựng đất nước, quê hương này, phải chăm lo cho con em trưởng thành, tiếp bước cha ông…"
Ngày nay, người dân Củ Chi năng động và chủ động phát triển kinh tế gắn với du lịch vừa để tăng thêm nguồn thu, tạo thêm việc làm; đồng thời tôn vinh những giá trị văn hóa lịch sử trên quê hương cách mạng. Ánh thép trong con người đất lại thép tiếp tục tỏa sáng trên con đường xây dựng quê hương giàu mạnh, xứng đáng với danh hiệu "Củ Chi đất thép thành đồng - đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Và tên gọi Phan Văn Khải cũng làm đầy thêm tinh thần của miền đất sinh ra những anh hùng.