Nhạc sĩ An Thuyên: Yêu lớp trẻ như yêu bản thân!

An - Như (Thể thao & Văn hóa)-Thứ năm, ngày 18/06/2015 15:16 GMT+7

VTV.vn - Mở đầu cuộc trò chuyện, nhạc sĩ An Thuyên nói ngay: “Viết tôi thế nào cũng được, tôi không cần phải xem lại nhưng phải làm thế nào cho... khác lạ đi”.

Trong một ngày Hà Nội nóng như chảo lửa, nhạc sĩ An Thuyên dành cho phóng viên Thể thao & Văn hóa một cuộc gặp tại trụ sở Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam trên phố Trích Sài nhìn ra Hồ Tây, một tổ chức phi chính phủ do ông làm Chủ tịch.

Mở đầu cuộc trò chuyện ông nói ngay: “Viết tôi thế nào cũng được, tôi không cần phải xem lại nhưng phải làm thế nào cho... khác lạ đi”.

“Tôi đang viết, chưa tổng kết vội!”

Hỏi về sự nghiệp sáng tác, nhạc sĩ An Thuyên bảo, “không thích nói lại, không thích nhìn lại, không thích tổng kết” bởi 20 năm gắn bó và làm Hiệu trưởng trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đâu có ảnh hưởng đến “sáng tác” của ông. Thế nên nhiều công ty muốn dựng chương trình ca nhạc về An Thuyên để bán vé kinh doanh ông đều từ chối hết ngoài Con đường âm nhạc mà VTV đã làm mà cũng đã “từ khá lâu rồi”. Ông bảo: "Tôi đang viết, chưa tổng kết vội!".

Vị nhạc sĩ đầu tiên được phong hàm Thiếu tướng khoe vừa vinh dự nhận được giải Cống hiến cho tuổi trẻ Thủ đô do Thành Đoàn Hà Nội trao tặng. Chương trình Bài hát Việt vừa tổng kết 10 năm cũng trao giải Cống hiến cho nhạc sĩ An Thuyên vì ông là người đã có công sức gây dựng giải thưởng này ngay từ những ngày đầu.

Nhạc sĩ An Thuyên.

Nhạc sĩ An Thuyên.

Cả 2 giải thưởng này đều tôn vinh nhạc sĩ An Thuyên vì cống hiến cho lớp trẻ. Ông tự hào về điều đó bởi ông “yêu lớp trẻ, sẵn sàng cống hiến và luôn học tập được nhiều điều từ lớp trẻ để mình luôn được trẻ hơn, để luôn sáng tạo...”.

Vị Thiếu tướng cũng không ngại thổ lộ rằng: "Sơn Tùng M-TP mà vào tay tôi thì đã khác. Tiếc rằng, tôi không còn làm hiệu trưởng chứ nếu còn làm, dứt khoát tôi sẽ  tuyển thẳng Sơn Tùng về học sáng tác...!".

"Phải yêu lớp trẻ, phải sống cùng lớp trẻ, phải biết lớp trẻ cần gì vì nghệ thuật có thời đại của nó, cuộc sống của nó, không ai sống mãi với cái cũ được..." - nhạc sĩ An Thuyên nhấn mạnh.

Lên rừng xuống biển tìm học sinh

Nhạc sĩ An Thuyên chia sẻ rằng, ông về trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội làm quản lý từ năm 1991. Khi đó trường chỉ có 7 giáo viên và 11 học viên và đang đứng bên bờ giải thể với nguyên nhân là đào tạo "cái" xã hội không cần. Từ một trường Trung cấp, 2 năm sau, trường vào guồng đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp bằng. Ông lại cùng với Lãnh đạo Quân đội nhóm lửa một sự nghiệp lớn mới với chiến lược là "dạy cái xã hội và quân đội cần" và định hướng xây mái trường "Chiến sĩ - Nghệ sĩ".

Từ một trường không có phiên hiệu, tên tuổi, năm 1995, trường được lên Cao đẳng và đến năm 2006 thì lên Đại học - một sự nghiệp đào tạo đầy vinh quang. Gần 20 năm ông nhóm lửa rồi cùng tập thể thổi bùng ngọn lửa cho biết bao thế hệ học trò thành những tài năng quân đội của đất nước.

Nhạc sĩ An Thuyên yêu lớp trẻ như yêu bản thân. Thời làm Hiệu trưởng, ông tuyên bố: "Đốt đuốc đi tìm nhân tài!". Ông lặn lội lên rừng xuống biển tìm học sinh. Khu vực miền núi với con em các dân tộc ít người là tình yêu đặc biệt của ông. Hàng ngàn học sinh dân tộc được ông tuyển về, được Bộ Quốc phòng chăm lo, tạo điều kiện rèn luyện và học tập trong môi trường quân đội, thành tài năng, ra trường làm người lính trong dân, hoạt động văn hoá nghệ thuật xây dựng và bảo vệ đất nước.

Có lẽ duy nhất ở Việt Nam có ông Hiệu trưởng trường nghệ thuật luôn tìm đến các cuộc thi ca hát, công khai tuyên bố  trước bàn dân thiên hạ: "tuyển thẳng" về trường bằng một giấy phép của quân đội. Cách tuyển sinh đó phá bỏ những quy tắc cứng nhắc, vì người học, vì nhân tài.

Từ phòng trà ca nhạc đến... Chủ tịch Hiệp hội

Nghỉ hưu, nhạc sĩ An Thuyên  vẫn đau đáu một câu hỏi: "Tại sao văn nghệ đích thực, chính thống không có vị trí xứng đáng trong thị trường?" và ông cũng mở quán cà phê nhỏ để gặp bạn bè.

“Hàng ngày thầy trò ngồi đếm từng đồng, được mấy trăm ngàn mà hí ha hí hửng, sướng lắm!” - nhạc sĩ An Thuyên bảo - “Muốn tìm câu trả lời, trước tiên phải hiểu thị trường, thương trường khắc nghiệt như thế nào”.

Sau bán cà phê, nhạc sĩ An Thuyên mở cả quán ca nhạc, quán phở... để bắt đầu một sự nghiệp mới cũng rất gian lao. Đó là việc ông thành lập và được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Đây là một tổ chức phi chính phủ về văn hoá đầu tiên của Việt Nam, ra đời để cùng các doanh nghiệp và xã hội chăm lo cho nền kinh tế phát triển trên nền tảng văn hoá dân tộc Việt.

Nhạc sĩ An Thuyên cho rằng, trong kinh doanh, nếu không coi văn hóa là cốt lõi thì kinh tế sẽ không có nền móng để phát triển. Các nước có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc... đều coi văn hoá là nền tảng, đồng thời là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Ở nước ta, một số doanh nghiệp làm ăn tốt đã có văn hoá doanh nghiệp nhưng chỉ giới hạn trong tập đoàn, công ty họ mà chưa lan tỏa ra toàn quốc gia. Còn lại, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến văn hoá, chỉ đến khi kinh tế thất bại mới nhận ra rằng: Thiếu văn hóa trong kinh doanh là nguyên nhân chính làm kinh tế thất bại.

Hiệp hội ra đời trong hoàn cảnh ấy. Sứ mệnh là quá lớn, nhưng sẽ có nhiều gian nan, nhiều thử thách lớn.  Nhạc sĩ An Thuyên lại là người nhóm lửa. Hy vọng trong tương lai, ngọn lửa khát vọng cống hiến của ông và tất cả mọi người sẽ được thổi bùng lên.

***

Nhạc sĩ An Thuyên lại khởi nghiệp, ở cái tuổi quá chiều. Ông vẫn sáng tác đều đặn và trẻ trung, vẫn đi làm và bôn ba khắp nơi với chiếc Mazda tự lái. Tôi có nghe một nhà doanh nghiệp thành đạt nói: "Ai muốn khởi nghiệp thì nên đến hỏi kinh nghiệm bác An Thuyên!".

Gặp ông, tôi càng thấy trân  trọng  điều đó. Tôi hỏi: "Ông có biết “Tủ sách đổi đời” dành để trao tặng cho tuổi trẻ không?". Ông bảo: "Có, tôi đã đọc. Bộ sách ấy tốt lắm, rất cần cho tuổi trẻ khởi nghiệp! Tôi mong có nhiều bộ sách hay như vậy của những người thành công đi trước, giúp cho lớp trẻ khát vọng, khởi nghiệp xây dựng tương lai, xây dựng đất nước hùng cường!".

“Hai ngọn lửa” đầu tiên trong âm nhạc An Thuyên

“Cha mẹ và làng quê nghèo. Mẹ gom tiền hàng năm trời mua cho chiếc đàn guitar cũ, từng bậc phím đàn từ đó là từng bậc thấp cao trên con đường đời. Rồi một ngày nhà thơ Trần Hữu Thung về tận làng quê dắt ông đi học đàn, kéo nhị rồi đi sưu tầm dân ca Nghệ Tĩnh. Ngoài 20 tuổi, ông viết ca khúc Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác. Đấy là "hai ngọn lửa" đầu tiên trong cuộc đời âm nhạc của nhạc sĩ An Thuyên.

Sau này, ông có mấy chục ca khúc nổi tiếng và nhiều tác tác phẩm âm nhạc lớn khác, đưa ông lên hàng "cây đa, cây đề" của làng âm nhạc Việt. Nhạc sĩ An Thuyên vẫn nói rằng hai ca khúc đầu tiên ấy vẫn được ông yêu nhất, làm bừng lên sự nghiệp sáng tạo của ông đến tận hôm nay...

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước