Nhiều người dân hiếu kỳ, tự hỏi sao lại có một "dàn hợp xướng" ở môn thể thao này? Họ chơi nhạc như vậy với mục đích gì?... Tại ABG 5- 2016, môn Muay tranh tài ở Công viên Biển Đông và trong ngày thi đấu đầu tiên, nét văn hóa đặc trưng độc đáo của người Thái đã thu hút hàng nghìn khán giả tới theo dõi.
Có truyền thuyết cho rằng Muay xuất hiện khoảng năm 1500 với tên gọi là Muay Boran dưới triều đại Vua Naresuan, nhưng cũng có tài liệu ghi khoảng năm 1700. Nhiều cuộc tranh cãi vẫn diễn ra và mốc thời gian xuất hiện của Muay vẫn là một ẩn số.
Khởi đầu, Muay thi đấu không có trang bị bảo hộ như ngày nay. Các võ sỹ thượng đài không có găng tay, giầy hay mũ. Vì thế mà tình trạng chấn thương diễn ra thường xuyên và đôi khi ở mức nghiêm trọng. Về sau, trong quá trình thể thao hóa và hiện đại hóa, môn Muay đã được luật hóa để trở thành môn thi đấu chính thức, chuyên nghiệp tại các Đại hội thể thao quốc tế lớn. Các phương tiện phòng hộ được ra đời từ đó, giúp cho các VĐV hạn chế được chấn thương và thi đấu quyết liệt hơn.
Ông Taweechai Boonamroong - người thổi kèn Ôboa trong dàn nhạc (Ảnh: An An)
Tuy nhiên, dù thay đổi, nhưng một trong những nét truyền thống của Muay vẫn còn tồn tại và được lưu giữ như một nét văn hóa đặc trưng của người Thái là các trận thi đấu đều diễn ra trong tiếng nhạc. Tại ABG5, quy định này được ghi rõ trong điều luật thứ 9.
Bà Từ Thị Lê Na – Trưởng bộ môn Pencak Silat, Muay của Tổng cục TDTT cho biết: "Tại ABG5 - 2016, môn Muay tranh tài tại Công viên Biển Đông, 8 nhạc công người Thái Lan đã được Ban tổ chức Đại hội mời đến Đà Nẵng để phục vụ cho các trận so tài, và họ được hưởng chế độ bồi dưỡng như một trọng tài".
Môn Muay được bố trí 2 ring đài, trong khuôn viên rộng rãi tại khu trung tâm Công viên Biển Đông. Bên cạnh đó có một sân khấu nhỏ để Ban nhạc 4 người ngồi biểu diễn: 2 người đánh trống (loại trống dài, nhạc công sử dụng một cây dùi gõ vào 2 đầu trống), 1 người thổi kèn ôboa và 1 người sử dụng bộ gõ nhỏ, gọn bằng đồng, hai tay liên tiếp đập vào nhau tạo nên một âm thanh nghe rất vui tai.
Được biết, Ban nhạc phục vụ ABG5 có 8 người, sẽ thay phiên nhau chơi các bản nhạc trong tất cả các ngày diễn ra giải đấu.
Khi võ sĩ bắt đầu se đài thì bản nhạc cũng nổi lên cho đến lúc kết thúc một hiệp đấu. Cũng giống như môn Vật dân tộc của nước ta, các võ sỹ ra sân thi đấu sẽ thực hiện một màn se đài. Đây là một hình thức vừa để làm nóng cơ thể, màn khởi động trước một trận đấu vừa là nghi thức tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân, các bậc thầy của võ phái. Họ sẽ đài để bày tỏ sự cung kính với nơi mình chào và tỏ lòng biết ơn với các bậc thầy huấn luyện cùng thần linh nơi võ đài.
Lúc này Ban nhạc đã nổi lên với những âm điệu réo rắt, tha thiết và khi trận đấu bắt đầu nhập cuộc, giai điệu lúc trầm lúc bổng như diễn biễn của trận đấu lúc phòng thủ, khi tấn công.
Ông Taweechai Boonamroong - người thổi kèn Ôboa trong ban nhạc cho chúng tôi biết: Dù tiếng cổ vũ của khán giả có to vang đến đâu, các võ sỹ vẫn nghe thấy giai điệu của ban nhạc. Điều này giúp các võ sỹ cảm nhận được nhịp độ trận đấu đang diễn ra như thế nào, từ đó tăng sự hưng phấn và tấn công đối phương tích cực hơn.
Lúc mới tập Muay, bài học đầu tiên của các các võ sĩ là nghe tiếng nhạc như một cách để thẩm âm, tập trung cho trận đấu. Cho đến sau này, khi đã trưởng thành để bước vào ring đài, những giai điệu đó đã ăn sâu vào tiềm thức các võ sĩ và chính những âm thanh sâu thẳm đó đã hướng dẫn các võ sĩ thi đấu quyết liệt hơn.
Các nhạc công biểu diễn phục vụ thi đấu môn Muay tại ABG5 (Ảnh: An An)
Và nhiều khi, trong Muay, chiến thắng có được chưa chắc đã đến từ kỹ, chiến thuật của VĐV mà lại đến từ chính sự cảm nhận các làn điệu mà người nhạc công chơi tại trận đánh. Và nếu không nghiên cứu kỹ yếu tố này thì khó lòng thắng được người Thái tại môn Muay.
Ngày nay, khi đất nước đã không còn chiến tranh, lớp thanh thiếu niên Thái Lan đã luôn tập luyện Muay và coi đó như một cách rèn luyện nhân cách, song song với sự tự vệ đơn thuần. Bộ môn này còn được đưa vào giảng dạy trong cả Hoàng gia Thái Lan với mục đích bảo tồn và phát triển võ thuật dân tộc.
Trải qua hàng nghìn năm tồn tại với một số thời kỳ như Ayutthaya, triều đại Vua Naresuan, Prachao Sua, Nai Khanomtom, Thonburi, Ratanakosin, các thời Vua Rama…, Muay trở thành loại hình nghệ thuật mang tầm cỡ quốc gia. Vào đầu thế kỷ 20, môn võ này thường được công diễn phục vụ trong các lễ hội hay đền đài tráng lệ.
Dù có bề dày lịch sử với nhiều danh hiệu văn hóa được ghi nhận, Muay vẫn vấp phải không ít ý kiến trái chiều do mức độ sát thương cao và thường bị mô tả là "đẫm máu". Bất chấp vấn đề này, nhiều gia đình nghèo khó vùng nông thôn Thái Lan vẫn hướng con em theo đuổi nghề võ sĩ thi đấu Muay với mong ước đổi đời và gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Tại Việt Nam, Muay được cho là du nhập vào từ đầu những năm 1950. 47 năm sau, vận động viên Việt Nam được cử đi dự thi môn này tại Sea Games 19 và một số giải quốc tế khác. Từng có thời điểm Muay bị loại khỏi các trận tranh tài trong khu vực nhưng đã được khôi phục vào tháng 10/2004, khi Liên đoàn thể thao Đông Nam Á chấp nhận bổ sung môn này vào Sea Games 23.