Vì sao nhiều người dân không mặn mà với bảo hiểm xã hội tự nguyện?

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 27/08/2017 09:35 GMT+7

VTV.vn - Xã hội càng phát triển, con người càng cần tìm đến các công cụ bảo đảm cho đời sống nhưng ở Việt Nam, ngày càng nhiều người không muốn tham gia bảo hiểm xã hội.

Triển khai từ năm 2008, cách đây gần 10 năm, nhưng đến nay mới chỉ có gần 200.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đây là một con số quá khiêm tốn so với số lượng khoảng 40 triệu người chưa có chỗ dựa nào về an sinh khi về già.

BHXH tự nguyện được coi là một trụ cột an sinh với một quốc gia nhưng với số lượng tham gia nhỏ giọt như hiện nay, điều này đang là vấn đề đe dọa đến an sinh xã hội trong vài chục năm tới.

Xã hội càng phát triển, con người càng cần tìm đến các công cụ bảo đảm cho đời sống khi về già nhiều hơn. Tuy nhiên, ở Việt Nam có một nghịch lý là ngày càng nhiều người không muốn tham gia bảo hiểm xã hội. Phần lớn người mua BHXH tự nguyện lại chính là những người đã từng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong nhiều năm trước đó.

Thực chất, bảo hiểm xã hội tự nguyện hay bảo hiểm hưu trí cũng tương tự như bảo hiểm nhân thọ đang được các công ty bảo hiểm kinh doanh nhưng nhờ đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp quảng cáo và tiếp cận khách hàng tích cực cũng như nhiều chế độ hậu mãi nên thu hút được nhiều người tham gia hơn.

Thực tế là chế độ của bảo hiểm xã hội tự nguyện có nhiều điểm vẫn chưa hấp dẫn người tham gia. So sánh với chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc và chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn còn có sự phân biệt đối xử về quyền lợi hưởng. Nếu như người tham gia BHXH bắt buộc sẽ được hưởng các quyền lợi khi ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất, người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được 2 quyền lợi là hưu trí và tử tuất.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện không có chế độ tuất hàng tháng với người phụ thuộc như bảo hiểm xã hội bắt buộc. Điều kiện hưởng chế độ hưu trí của bảo hiểm xã hội tự nguyện: nam phải đủ 60, nữ đủ 55 và không có chế độ mất sức lao động. Điều kiện như vậy rất khó để người dân hay các lao động tự do tham gia. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng quyền lợi của BHXH tự nguyện còn hạn chế nên không hấp dẫn người dân.

Các tổ chức quốc tế đã khẳng định bảo hiểm xã hội dù là bắt buộc hay tự nguyện chính là công cụ tốt nhất để chăm lo người lao động về già nhưng đây cũng là vấn đề khó thực hiện nhất, kể cả ở các nước phát triển. Tình trạng người già sống trong cảnh nghèo đói do không có bảo hiểm xã hội đã diễn ra ở các quốc gia này.

Tại Việt Nam, hiện nay, số người già có lương hưu chỉ chiếm 15% trên tổng số người hết độ tuổi lao động. Số còn lại sống dựa vào con cái hoặc tài sản tích lũy nhưng sự dựa dẫm này cũng rất bấp bênh. Bảo hiểm xã hội được coi là một trụ cột an sinh với lao động khi về già nhưng chính sách cần có sự gần gũi hơn và linh hoạt hơn cho người tham gia.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Từ khóa:

bảo hiểm

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước