Trường phổ thông Dân tộc bán trú: Còn đó những nỗi niềm...

Minh Nhật-Thứ năm, ngày 05/06/2014 10:23 GMT+7

Ba năm qua, mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú và chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường PTDT đã mang lại những kết quả khả quan. Có thể khẳng định, đó là hướng đi hoàn toàn đúng đắn, hiệu quả cho giáo dục vùng sâu, vùng xa… nhưng vẫn còn đó không ít nỗi niềm.

Những năm trước đây, học sinh ở bán trú dân nuôi thường mang theo gạo, rau, cá khô, lạc vào đầu tuần mà gia đình cung cấp, đến khu bán trú góp lại nấu cơm và ăn theo nhóm. Tuy không nhịn bữa nhưng bữa ăn của các em “tự chế” theo sự chuẩn bị của gia đình hết sức đơn sơ và thiếu thốn, không đảm bảo chất lượng của bữa ăn.

Nhiều khi cơm chỉ có muối ớt chấm với măng đắng luộc, canh rau hay chút lạc rang mặn hoặc bát canh đu đủ nấu suông… Ở nhiều vùng, thầy cô thấy học trò kham khổ đã dùng những đồng lương ít ỏi mua thêm thức ăn hỗ trợ bữa ăn cho học trò.

‘ Bữa ăn của các học sinh Trường PTDT bán trú Na Ư- Điện Biên

Trước thực trạng đó, Quyết định 85/2010/QĐ-TTg đã ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường PTDTBT. Theo đó, Nhà nước đã bổ sung kinh phí chi thường xuyên hàng năm với mức 100.000 đồng/học sinh/năm để mua sắm, sửa chữa dụng cụ thể dục thể thao và phương tiện phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cho học sinh bán trú; Bổ sung kinh phí chi thường xuyên hàng năm với mức 50.000 đồng/học sinh bán trú/năm học để lập tủ thuốc dùng chung cho học sinh bán trú.

Ngoài ra, các trường thuộc diện này còn được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở, nhà bếp, phòng ăn, nhà tắm, công trình vệ sinh, nước sạch và các thiết bị kèm theo cho học sinh bán trú được xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế trường học hiện hành.

Trường THCS Mường Mùn, huyện Tuần Giáo, Điện Biên có học sinh thuộc 12 bản vùng cao cách xa trung tâm từ 15 - 42km nên học sinh thường xuyên bỏ học. Nhà trường và giáo viên thường trực nỗi lo và luôn trong tư thế “cơm nắm, cơm đùm” đi vận động học sinh ra lớp. Vận động được các em ra lớp rồi, để giữ chân các em ở lại, thầy cô nhà quanh trường đã chia sẻ khó khăn về chỗ ăn, ở cho 50 em học sinh bản vùng cao.

Từ khi được công nhận là Trường PTDT bán trú Mường Mùn (năm học 2011 – 2012) thì mọi nỗi lo đó đã được xóa bỏ. Khu nhà nội trú khang trang cho trên 400 học sinh nội trú, những vườn rau xanh mướt, sân thể thao, thư viện xanh… được xây dựng quy củ, tạo không khí đầm ấm. Giờ đây, tình trạng học sinh bỏ học hầu như không còn.

‘ Tại nhiều trường bán trú, ngoài giờ học, cô trò đã tự trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn.

Nhà trường tổ chức nấu ăn cho học sinh tại bếp ăn. Nhờ vậy, các em sẽ có thời gian học tập nhiều hơn. Em Lò Thị Mua cho biết: "Nhà em cách trường trên hai chục cây số đường dốc núi, khó đi lắm! Nhà nước hỗ trợ ăn, ở là nguồn động lực cho em có thêm quyết tâm để xuống núi học chữ".

Hiệu quả rõ nét nhất chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường PTDT là: Sĩ số học sinh, học sinh đi học chuyên cần luôn đạt 100%. Học sinh có học lực giỏi, khá tăng lên; đặc biệt nhiều trường đã có em tham gia thi học sinh giỏi cấp huyện...

Nhiều trường đã đưa ra sáng kiến, giáo viên góp tiền mua lợn, gà và hạt giống rau để học sinh các lớp đều có vườn rau. Hàng ngày, có rau xanh cải thiện bữa ăn, nuôi gà, lợn đến ngày lễ, Tết tổ chức nấu cơm thầy trò cùng liên hoan. Qua việc lao động tập thể, các giáo viên đã rèn luyện cho các em kĩ năng sống, lao động và xây dựng tình đoàn kết gắn bó; giúp nhau giữa các em học sinh của dân tộc này và dân tộc khác, tạo một môi trường giáo dục thân thiện, tích cực và lành mạnh.

‘ Sau 3 năm, mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú đã mang lại những kết quả khả quan.

Ba năm qua, mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú và chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường PTDT đã mang lại những kết quả khả quan. Có thể khẳng định, đó là hướng đi hoàn toàn đúng đắn, hiệu quả cho giáo dục vùng sâu, vùng xa… nhưng vẫn còn đó không ít nỗi niềm: Đa số các trường bán trú cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, đời sống sinh hoạt của thầy và trò tại các điểm trường còn không ít vất vả. Đặc biệt, một số phụ huynh chưa nhận thức hết nên phó mặc con cái mình cho giáo viên, nhà trường chăm sóc.

Thiếu thốn về cơ sở vật chất chính là nỗi niềm trăn trở của cán bộ giáo viên tại nhiều ngôi trường nhiều ngôi trường PT dân tộc bán trú vùng cao. Bên cạnh chính sách của Nhà nước, những nơi đó vẫn đang cần rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong xã hội để mô hình học bán trú được phát huy hiệu quả.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước