Trước khi được thông qua, TP Hồ Chí Minh đã thu thập ý kiến phản biện của chuyên già và các tầng lớn nhân dân nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất.
Năm dự án BOT gồm nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3; nâng cấp đường trục Bắc - Nam từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành; xây dựng cầu đường Bình Tiên từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh.
Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, hiện chỉ có TP Hồ Chí Minh xin cơ chế thí điểm thực hiện BOT trên tuyến đường hiện hữu.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết: "Quá trình nghiên cứu cũng ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là về khảo sát về lưu lượng để đánh giá chung phản biện, đánh giá chung cho cả 5 tuyến của mạng lưới. Thứ hai là đo vẽ luôn bản đồ địa chính để tính toán sát chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng".
Đóng góp ý kiến thực hiện 5 dự án BOT, tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 cho rằng, các dự án nên hạn chế thấp nhất vấn đề giải tỏa, chỉ giải tỏa đủ quy mô cần thiết để giảm chi phí và thời gian.
Đại diện đơn vị tư vấn cho biết tổng mức đầu tư 5 dự án BOT khoảng 61.000 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách chiếm 37.000 tỉ đồng, vốn huy động 23.800 tỉ đồng, thời gian hoàn vốn khoảng 20 - 30 năm.
Có 3 dự án được đề xuất làm đường trên cao, 2 dự án làm đường dưới thấp. Mức thu phí sẽ trên nguyên tắc hài hòa lợi ích của người dân và nhà đầu tư, hạn chế người dân chi trả quá nhiều.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!