Đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng - đó là nhận định về đợt dịch thứ tư tại Việt Nam. Chưa đầy 1 tháng, tổng số mắc COVID-19 ghi nhận trong nước đã là hơn 2.100 ca tại 30 tỉnh/thành phố, cao gấp đôi đợt dịch thứ ba liên quan đén Hải Dương và gấp gần 4 lần đợt dịch thứ hai liên quan đến Đà Nẵng.
Đợt dịch thứ tư bắt đầu vào ngày 27/4, khi phát hiện ca lây trong nước đầu tiên ở Yên Bái. Đó là nhân viên khách sạn - nơi có đoàn chuyên gia Ấn Độ và chuyên gia Trung Quốc cách ly khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Ngày 29/4, Việt Nam ghi nhận các ca lây nhiễm từ 1 ca đã kết thúc cách ly sau nhập cảnh từ Nhật về. Đó là trường hợp thanh niên ở Hà Nam đã không tuân thủ quy định phòng chống dịch, trở thành ca siêu lây nhiễm khi có tới gần 20 ca mắc liên quan.
Ngày 2/5, xuất hiện ổ dịch đầu tiên tại Vĩnh Phúc với 6 ca mắc là nhân viên quán bar Sunny tại TP Phúc Yên, liên quan đến nhóm chuyên gia Trung Quốc. Họ có lịch trình di chuyển nhiều nơi trước đó, khi về nước mới phát hiện dương tính. Liên tiếp những ngày sau, dịch bùng phát với nhiều ổ dịch tại 7/9 huyện, thành phố của Vĩnh Phúc.
Ngày 4/5, ghi nhận 1 ca dương tính tại Đà Nẵng, mở đầu cho các ổ dịch tiếp theo, trong đó, đáng kể là hàng loạt ca liên quan đến thẩm mỹ viện Amida và KCN An Đồn.
Ngày 6/5, Bắc Ninh ghi nhận 12 ca, liên quan Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ổ dịch lớn nhất là tại xã Mão Điền, huyện Thuận Thành.
Ngày 8/5 phát hiện ca mắc đầu tiên tại Bắc Giang, ở 1 nhà máy. Ngay sau đó, dịch nhanh chóng lây lan sang các khu công nghiệp khác khiến 4 khu công nghiệp phải đóng cửa. Với trên 900 ca mắc, cao nhất cả nước, hiện tỉnh Bắc Giang đang thực hiện giãn cách xã hội với TP Bắc Giang và cách ly xã hội 4 huyện.
Từ sự lây nhiễm trong các khu công nghiệp tại Bắc Giang, ngày 10/5, lần đầu tiên Việt Nam xác lập kỷ lục ghi nhận số ca nhiễm trong nước vượt ba chữ số với 125 ca. Liên tiếp 10 ngày nay, số ca mắc mới ghi nhận trong ngày liên tục ở 3 con số.
Và điều lo ngại nhất đã xảy ra khi lần đầu tiên, có tới 10 cơ sở y tế phải phong tỏa/cách ly y tế để thực hiện khoanh vùng, truy vết. Trong đó, có cả thành trì kiên cố như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ngày 5/5, cơ sở 2 của bệnh viện tại Đông Anh, Hà Nội đã có quyết định cách ly y tế sau khi ghi nhận 14 ca nhiễm đầu tiên. Nguồn lây được xác định là xâm nhập từ bên ngoài.
Sau đó, đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều phát hiện cùng lúc 11 ca dương tính vào ngày 7/5 nên ngay lập tức đã phải thiết lập cách ly y tế.
Hiện đã xác định được hàng trăm ca liên quan 2 bệnh viện lớn này.
Với nhiều ổ dịch, đợt dịch này đã xuất hiện nhiều nguồn lây, như bệnh viện, trên máy bay, trong quán bar, karaoke, thẩm mỹ, massage, đám cưới và cả trong khu cách ly. Và đây cũng là lần đầu tiên ghi nhận biến thể có tốc độ lây lan mạnh nhất, là biến chủng lần đầu tìm thấy ở Ấn Độ. Qua các kết quả giải trình tự gene cho thấy, các ca mắc chủ yếu mang chủng biến thể gây nhiều biến chứng này. Vì thế, có tới 20% là bệnh nhân nặng, xảy ra không chỉ với trường hợp có bệnh nền mà cả nhiều người trẻ.
Cho đến nay, Việt Nam vẫn được thế giới đánh giá là một trong những quốc gia chống dịch tốt nhất. Ngay từ những ngày đầu tiên, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Chính phủ đã đưa ra những biện pháp quyết liệt, chiến lược khoa học và rất Việt Nam. Phát huy những kinh nghiệm từ việc đối phó thành công với 3 đợt dịch lần trước, đối mặt với đợt dịch thứ tư nguy hiểm hơn, Chính phủ nhiệm kỳ mới tiếp tục có những chỉ đạo kịp thời và mang tính đột phá.
Vì sao Việt Nam chống dịch tốt như vậy, làm thế nào để tiếp tục ngăn chặn đại dịch cũng như tiếp tục ủng hộ và đồng lòng trong cuộc chiến chống dịch còn dài lâu?
Đó là những nội dung sẽ được phân tích, bàn luận trong chương trình Tọa đàm: Tấn công dập dịch của Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam với sự tham gia của 3 vị khách mời:
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, người được Thủ tướng Chính phủ phân công điều hành công tác phòng chống dịch xuyên suốt từ những ngày đầu tiên.
- PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế - cũng như các lãnh đạo ngành y tế thời gian qua, ông liên tục đi tới các vùng dịch nóng bỏng nhất để bám sát tình hình và hỗ trợ địa phương chống dịch
- Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang - Bắc Giang là địa bàn đang có số ca mắc cao nhất trong đợt dịch này, chủ yếu tại các khu công nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!