Theo Bộ Y tế, tính đến 16h ngày 22/5, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 cho 1.027.659 người tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
WHO khuyến cáo người tiêm vaccine cũng vẫn có thể bị dương tính với SARS-CoV-2 vì sau tiêm chưa sinh ra kháng thể và hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine này cao nhất là 90%.
Về khả năng sinh kháng thể, theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, sau 12-15 ngày tiêm mũi thứ nhất, người tiêm sẽ bắt đầu có kháng thể phòng COVID-19.
Dự án tiêm chủng mở rộng các tỉnh, thành phố đã ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm, hầu hết là phản ứng thông thường như sưng đau tại chỗ tiêm, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, sốt, đau họng, chảy nước mũi, ho, chóng mặt, khó thở, đau đầu, đau cơ, đau khớp. Điều đó cho thấy, cơ thể đang tạo ra miễn dịch sau khi tiêm vaccine để phòng bệnh.
Theo bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, mặc dù các tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động sinh hoạt, nhưng hầu hết sẽ tự biến mất sau vài ngày. Do đó, hãy dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi hoặc hoạt động nhẹ nhàng từ 1-2 ngày sau tiêm.
Bác sĩ khuyến cáo, nếu bạn bị đau hoặc khó chịu, thuốc giảm đau không bán theo đơn như thuốc chống viêm không steroid (Advil, Motrin) hoặc acetaminophen (Tylenol) có thể giúp mang lại cảm giác dễ chịu hơn.
Tuy nhiên, CDC khuyến cáo không nên sử dụng thuốc giảm đau trước khi tiêm chủng với mục đích ngăn ngừa các triệu chứng sau tiêm. Vì vậy sau khi tiêm, người dân hãy đợi cho đến khi gặp các tác dụng phụ rồi mới dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Một tác dụng phụ khác có thể kéo dài là sưng hạch bạch huyết, dấu hiệu nhận biết là người tiêm vaccine có thể có cảm giác như một cục u dưới nách hoặc trên xương đòn hoặc sưng tấy trong vài tuần nhưng sẽ tự biến mất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!