Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi): Thông điệp mạnh mẽ và nhân văn của Việt Nam

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 29/11/2024 16:10 GMT+7

VTV.vn - Quốc hội vừa thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) với nhiều điểm mới, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người.

Sáng 28/11, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) với 454 trên tổng số 455 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,78 % tổng số đại biểu, luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người, hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người. Đây được coi là lần sửa đổi toàn diện sau hơn 12 năm triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011.

"Điểm đáng chú ý trong Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) là sự chuyển biến rõ nét trong quan điểm phòng, chống tội phạm này: đặt nạn nhân và những người đang trong quá trình xác minh là nạn nhân là trung tâm. Bên cạnh đó, luật mới cũng bổ sung các chế độ hỗ trợ cho nạn nhân. Đây không chỉ là thông điệp mạnh mẽ và nhân văn của nhà nước Việt Nam mà còn thể hiện cam kết rõ ràng trước cộng đồng quốc tế về việc bảo đảm quyền lợi và lợi ích của nạn nhân", bà Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ Nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định.

Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi): Thông điệp mạnh mẽ và nhân văn của Việt Nam - Ảnh 1.

Bà Mai Thị Phương Hoa cho biết, định nghĩa cụ thể về hành vi mua bán người đã đưa vào dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Định nghĩa này tiệm cận với các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với Bộ luật Hình sự cũng như các văn bản pháp luật liên quan. Theo đó, mua bán người được hiểu là các hành vi như tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm mục đích thu lợi về tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; hoặc nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, chiếm đoạt bộ phận cơ thể hoặc thực hiện các mục đích vô nhân đạo khác. Những hành vi này thường được thực hiện bằng vũ lực, đe dọa, lừa gạt hoặc sử dụng các thủ đoạn khác.

Theo quy định hiện hành của Bộ luật Hình sự, Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi, hành vi phạm tội chỉ được xác định khi đứa trẻ đã được sinh ra và bị mua bán, chuyển giao hoặc tiếp nhận để đổi lấy tiền, tài sản hoặc nhằm mục đích lấy bộ phận cơ thể. Do đó, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã bổ sung vào Điều 3 các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm cả việc thỏa thuận mua bán người ngay từ khi còn là bào thai. Theo quy định mới này, nếu có sự thỏa thuận giữa bên mua và bên bán về việc mua bán thai nhi, hành vi này sẽ bị nghiêm cấm và xử lý theo pháp luật ngay khi đứa trẻ được sinh ra. Cũng theo Điều 151 của Bộ luật Hình sự, tội mua bán người dưới 16 tuổi có khung hình phạt cao nhất là tù chung thân, cao hơn so với tội mua bán người lớn quy định tại Điều 150, với mức án tối đa là 20 năm tù.

Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi): Thông điệp mạnh mẽ và nhân văn của Việt Nam - Ảnh 2.

Nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội đã trở thành một phần đường dây mua bán trẻ sơ sinh ra nước ngoài trực tuyến và ẩn danh

Báo cáo từ Bộ Công an cho thấy, những hình thức hoạt động của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi và đa dạng, đặc biệt vào thời điểm cuối năm. Khi nhu cầu tìm việc làm tăng cao, nhiều người dân dễ rơi vào bẫy "việc nhẹ, lương cao" với những thủ đoạn mới. Không ít nạn nhân bị lừa sang nước ngoài, di cư hoặc xuất cảnh trái phép, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho các gia đình và trẻ vị thành niên. Đặc biệt là trẻ em gái, nạn nhân chính của các đường dây mua bán.

"Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) quy định rõ các biện pháp hỗ trợ thiết yếu dành cho nạn nhân ngay khi được các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận như hỗ trợ y tế, tâm lý, chi phí đi lại, giúp họ vượt qua giai đoạn đầu đầy khó khăn sau khi thoát khỏi cảnh bị mua bán. Khi trở về địa phương, nạn nhân sẽ nhận được các hỗ trợ vay vốn, trợ cấp một lần, học văn hóa, học nghề. Đối với những trường hợp bị thương tích hoặc ốm đau, họ sẽ được chữa trị và được nhà nước cấp bảo hiểm y tế trong năm đầu tiên. Nạn nhân cũng sẽ được hỗ trợ pháp lý toàn diện, bao gồm tư vấn về làm căn cước công dân, đăng ký cư trú, hộ tịch và tiếp cận các chế độ hỗ trợ", bà Mai Thị Phương Hoa cho biết thêm.

Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi): Thông điệp mạnh mẽ và nhân văn của Việt Nam - Ảnh 3.

Nạn nhân của đường dây mua bán người khi trở về địa phương, sẽ nhận được các hỗ trợ vay vốn, trợ cấp một lần, học văn hóa, học nghề

Cũng theo bà Mai Thị Phương Hoa, trước đây, chỉ những nạn nhân có hoàn cảnh tài chính khó khăn mới được hỗ trợ pháp lý, nhưng hiện nay, tất cả nạn nhân hoặc những người đang trong quá trình xác định là nạn nhân đều được hưởng quyền lợi này. Luật cũng mở rộng hỗ trợ tâm lý, không chỉ giới hạn trong cơ sở lưu trú mà kéo dài đến khi họ trở về địa phương. Điều này giúp nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Đặc biệt, những người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân cũng được hưởng các chế độ hỗ trợ.

"Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã triển khai mô hình "ngôi nhà bình yên", hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực gia đình. Luật mới cho phép các mô hình này hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, đăng ký hoạt động hỗ trợ nạn nhân mua bán người. Điều này giúp nạn nhân có thêm lựa chọn, có thể lưu trú tại các cơ sở này hoặc trở về sống cùng gia đình, tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ tái hòa nhập cộng đồng", bà Hoa chia sẻ.

Bà Hoa cho rằng, một trong những thách thức lớn trong công tác phòng, chống mua bán người hiện nay là vấn đề hợp tác quốc tế. Luật Phòng, chống mua bán người đã dành riêng một chương để quy định về hợp tác quốc tế, nhấn mạnh các cam kết của Việt Nam với tư cách là thành viên của các Điều ước quốc tế liên quan. Điển hình về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi): Thông điệp mạnh mẽ và nhân văn của Việt Nam - Ảnh 4.

Đối tượng Cụt Thị Mùi bị bắt vào đầu tháng 7/2024 về tội mua bán trẻ em

"Luật Phòng, chống mua bán người quy định về các thỏa thuận quốc tế giữa Việt Nam và các nước liên quan, đặc biệt là những quốc gia có chung đường biên giới. Các thỏa thuận này được thực thi bởi các cơ quan chức năng của các quốc gia liên quan và thường được triển khai ngay tại các địa phương sát biên giới", bà Hoa nói.

Bà Hoa cũng bày tỏ, trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều nơi trên thế giới đang phải đối mặt với chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, làn sóng di cư gia tăng. Sự bất ổn kinh tế và xã hội này đã tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm mua bán người phát triển. Do đó, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người là điều tất yếu.

Mua bán người đã được Liên Hợp Quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất và đưa vào chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu. Tại Việt Nam, công tác phòng, chống mua bán người được coi là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài và được chú trọng từ nhiều năm qua. Cùng với Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 28/11, Việt Nam sẽ có những cơ sở pháp lý vững chắc, toàn diện hơn trong bối cảnh mới. Bởi khi thủ đoạn của tội phạm thay đổi, cách phòng, chống cũng phải thay đổi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước