Chương trình tư vấn trực tuyến: "TẦM SOÁT BỆNH VÚ: PHÁT HIỆN SỚM - ĐIỀU TRỊ HIỆU QUẢ" với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành
Ung thư vú có xu hướng ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Tuy nhiên, bệnh thường phát triển âm thầm, ít có triệu chứng rõ ràng. Nhiều người đợi đến khi có triệu chứng rõ ràng như đau vú, chảy dịch, máu… thì phát hiện bệnh đã giai đoạn muộn. Do vậy, việc thăm khám định kỳ, tầm soát thường xuyên giúp phát hiện bệnh sớm, điều trị hiệu quả các bệnh lý này.
Để giúp chị em hiểu rõ về vai trò tầm soát bệnh lý tuyến vú, đặc biệt là ung thư vú, Báo điện tử VTV phối hợp cùng Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến: "TẦM SOÁT BỆNH VÚ: PHÁT HIỆN SỚM - ĐIỀU TRỊ HIỆU QUẢ". Chương trình có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia: ThS. BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang (Trưởng khoa Ngoại Vú, BVĐK Tâm Anh TP . Hồ Chí Minh); TS.BS Vũ Hữu Khiêm (Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh Hà Nội); BS.CKII Lê Hồng Cúc, BS.CKII Lê Nguyệt Minh (Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, BVĐK Tâm Anh TP . Hồ Chí Minh).
Đối tượng nào có nguy cơ cao, cần tầm soát bệnh vú?
Từ thực tế thăm khám và điều trị nhiều năm, ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang nhận định, hiểu biết của chị em phụ nữ hiện nay về bệnh lý tuyến vú chưa cao, bao gồm cả việc thăm khám, tầm soát bệnh. Do đó, nhiều người vẫn băn khoăn không biết mình có cần đi tầm soát ung thư vú hay không.
Theo TS.BS Vũ Hữu Khiêm, tầm soát ung thư vú định kỳ rất quan trọng để điều trị hiệu quả, đừng đợi đến khi sờ thấy cục u, chảy máu đầu vú thì bệnh đã ở giai đoạn khá muộn. Những phụ nữ trên 40 tuổi nên sớm khám định kỳ tuyến vú mỗi năm một lần. Những đối tượng nguy cơ cao cần tăng tần suất khám lên nhiều hơn - 6 tháng 1 lần.
Đối tượng nguy cơ cao là những người có tiền sử gia đình bị ung thư vú, hay mắc các bệnh ung thư khác như ung thư buồng trứng. Thứ hai là tiền sử bản thân, như có kinh nguyệt sớm, mãn kinh muộn, không sinh con, không cho con bú. Những người có tiền sử chiếu xạ ở vùng ngực, người có tiền sử bệnh lý tuyến vú như quá to, người béo phì, người lạm dụng thuốc nội tiết, uống rượu bia quá nhiều.
Bên cạnh đó, một số gen có thể gây ung thư vú là BRCA1 và BRCA2, đặc biệt là TP53. Người mắc gen BRCA1 nguy cơ ung thư vú trên 60%, người mắc gen BRCA2 nguy cơ ung vú khoảng 45%, người mắc cả 2 gen trên thì có nguy cơ trên 80%.
BS.CKII Lê Nguyệt Minh chia sẻ thêm, phụ nữ nên tầm soát ung thư vú từ những năm 40 tuổi bằng phương pháp chụp X-quang vú (còn gọi là nhũ ảnh). Phương pháp này có thể phát hiện các bất thường như khối u, bất xứng… những gợi ý này cho biết biến đổi bất thường có khuynh hướng ác tính.
Tuy nhiên, độ tuổi mắc ung thư vú ở các châu lục có sự khác nhau. Ở châu Á, độ tuổi trung bình phụ nữ mắc ung thư vú là khoảng 50 tuổi, trong khi châu u là 62 tuổi. Điều này cho thấy phụ nữ châu Á có khuynh hướng mắc sớm hơn nên cần tầm soát ung thư vú sớm hơn.
ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang (Trưởng khoa Ngoại Vú - BVĐK Tâm Anh TP . Hồ Chí Minh) chia sẻ nhiều thông tin về việc tầm soát và điều trị các bệnh lý về tuyến vú tại buổi tư vấn
Các kỹ thuật hiện đại trong tầm soát bệnh vú
Theo BS.CKII Lê Hồng Cúc, với sự phát triển của y học hiện đại, phương pháp chẩn đoán hình ảnh tuyến vú khá tân tiến giúp ích cho việc chẩn đoán, và phát hiện bệnh chính xác. Hiện nay có 3 phương tiện phổ thông nhất là siêu âm, chụp nhũ ảnh và chụp cộng hưởng từ (MRI).
Đối với siêu âm: Là phương tiện khá quen thuộc, phổ biến để kiểm tra sức khỏe tuyến vú. Qua thời gian, phương pháp này đã được cải tiến rất nhiều, mang lại nhiều lợi ích trong quá trình chẩn đoán. Ban đầu, siêu âm chỉ là hình ảnh trắng đen, đến nay có thể thể làm thêm siêu âm mạch máu, siêu vi mạch giúp phát hiện những mạch máu nhỏ, hay siêu âm đàn hồi giúp phát hiện những bất thường về lành tính hay ác tính. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra quyết định có làm sinh thiết khối u hay không. Tuy nhiên dù tiến bộ như thế nào đi nữa thì siêu âm cũng là phương tiện dùng sóng âm để khảo sát tuyến vú, thế nên siêu âm có những giới hạn về mặt hình ảnh.
Đối với nhũ ảnh: Đây là phương pháp dùng tia X để khảo sát tuyến vú. Trước kia chỉ có nhũ ảnh 2D - tức là mình ép nguyên bên vú xuống nên tất cả các điểm chồng lên nhau trong một phim duy nhất (1 ảnh). Sau này có nhũ ảnh 3D, công nghệ này tiên tiến hơn có thể chụp nhũ ảnh các lớp, sẽ cho ra 40-60 hình ảnh khác nhau giúp quan sát vú chi tiết bằng những lát cắt rất mỏng. Đặc biệt, khi dùng nhũ ảnh 3D, bác sĩ có thể dùng thuốc tương phản bơm vào cơ thể qua đường tĩnh mạch, giúp bác sĩ khảo sát vú có sang thương hay không. Với những trường hợp bệnh nhân không thể chụp cộng hưởng từ, phương pháp nhũ ảnh kết hợp bơm thuốc tương phản là biện pháp thay thế hoàn hảo.
Cộng hưởng từ (MRI): Tuy không phổ biến như siêu âm và nhũ ảnh, nhưng MRI là phương tiện không thể thiếu trong khảo sát và chẩn đoán bệnh tuyến vú. Những trường hợp khó, đã làm siêu âm và nhũ ảnh rồi nhưng chưa xác định được bản chất của sang thương vú, thì chụp MRI là cơ sở để chẩn đoán sang thương vú nghiêng về lành tính hay ác tính, từ đó đưa ra cách điều trị thích hợp.
BS.CKII Lê Hồng Cúc (Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP . Hồ Chí Minh) chia sẻ về các phương pháp chẩn đoán hình ảnh
Tuy nhiên, tùy theo độ tuổi, triệu chứng nghi ngờ, đối tượng nguy cơ mà bác sĩ sẽ có chỉ định các phương pháp khác nhau. Đối với phụ nữ trên 40 tuổi, nhũ ảnh được đưa lên hàng đầu trong tầm soát bệnh vú và siêu âm là bước hỗ trợ tiếp theo. Với người trẻ, nguy cơ thấp, khi tầm soát chỉ cần làm siêu âm. Người trẻ chỉ làm nhũ ảnh khi có chỉ định đặc biệt của bác sĩ. MRI chỉ áp dụng trong những trường hợp thật cần thiết.
Sau khi siêu âm, chụp X-quang, để đánh giá khối u lành tính, ác tính hay nghi ngờ ác tính thì tùy thuộc vào đặc điểm, tiêu chuẩn hình ảnh mỗi khối u mà sẽ tương ứng với các phân loại khác nhau, gọi tắt là BIRADS. Nếu BIRADS 2 sẽ là tổn thương lành tính, BIRADS 3 là tổn thương nhiều khả năng lành tính (>98% là lành tính), từ BIRADS 4 trở lên tỷ lệ ác tính sẽ tăng dần, chẳng hạn BIRADS 4A, tỉ lệ ác tính sẽ là 2-10%; BIRADS 4B và 4C tỉ lệ ác tính sẽ tăng dần lên.
Khi tổn thương từ BIRADS 4 trở lên thì sẽ chỉ định chọc hút hoặc sinh thiết. Trong đó đơn giản nhất là chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA), tức là bác sĩ sẽ dùng kim rất nhỏ dưới sự hướng dẫn của hình ảnh siêu âm hoặc nếu khối u có thể sờ thấy được, bác sĩ sẽ chọc trực tiếp vào khối u. Mục đích là để lấy được tế bào trong khối u. Tế bào này sẽ được soi dưới kính hiển vi hoặc nhuộm để tìm được đặc điểm của tế bào biểu mô tuyến vú hoặc tế bào bất thường trong khối u, từ đó xác định u lành tính hay ác tính.
Phát hiện bệnh càng sớm, hiệu quả điều trị càng cao
Trong số các bệnh tuyến vú, ung thư vú là bệnh nguy hiểm nhất và được chia thành 4 giai đoạn. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn càng sớm, việc điều trị càng hiệu quả và càng ít biến chứng hơn, thậm chí có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Nếu ung thư vú giai đoạn 1 có thể điều trị khỏi trên 90%, giai đoạn 2 khoảng 70 - 80%, giai đoạn 3 khoảng 50 - 60%, giai đoạn cuối chỉ khoảng 30 - 40%.
Tùy theo giai đoạn bệnh, thể mô bệnh học, hóa mô miễn dịch, các dấu ấn miễn dịch, các đột biến gen mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cá thể hóa, thích hợp nhất, tối ưu nhất cho từng người bệnh. Có trường hợp phải mổ ngay, hoặc điều trị bằng hóa chất trước sau đó mới phẫu thuật, hoặc chỉ dùng liệu pháp về miễn dịch, liệu pháp điều trị đích để điều trị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!