Ăn cá mặt thỏ, người đàn ông 40 tuổi hôn mê, tê liệt hoàn toàn

N.M (t/h)-Thứ ba, ngày 22/09/2020 08:15 GMT+7

Bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Quận 2. Ảnh: PLO

VTV.vn - Anh Q. vẫn thường ăn bao tử cá mặt thỏ, nhưng lần này khi vừa ăn xong, anh cảm thấy tê trong khoang họng rồi lan dần ra mặt, tay, chân.

Theo VnExpress, Bác sĩ Từ Kim Thanh, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Quận 2, cho biết, khi nhập viện vào trưa 18/9, người đàn ông đã tê khoang họng, tê mặt, nôn ói, yếu liệt tứ chi. Ông chỉ kịp nói mình đã ăn bao tử cá mặt thỏ rồi rơi vào hôn mê, liệt toàn thân, mất tri giác, rất nguy kịch.

"Diễn tiến bệnh rất nhanh. Trước các triệu chứng ồ ạt đó, chúng tôi nghĩ bệnh nhân bị ngộ độc chất Tetrodotoxin trong cá, mức độ 3-4. Bệnh nhân bắt buộc phải lọc máu hấp thụ chất độc, nếu không sẽ tử vong", bác sĩ Thanh nói. Ngay lập tức, bác sĩ đặt nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy và lọc máu liên tục.

Theo báo Pháp luật TP.HCM, sau khi được cho lọc máu, đến 22h30 cùng ngày, bệnh nhân dần hồi tỉnh, có thể nhúc nhích được ngón tay, chân. Các bác sĩ cho biết, anh Q. là trường hợp đầu tiên ngộ độc cá mặt thỏ mà bệnh viện gặp phải. May mắn khi anh được phát hiện và đưa đến kịp thời, chỉ cần muộn thêm 10 phút sẽ không thể cứu được.

Hiện tại, sức khỏe anh Q. đã ổn định, được rút nội khí quản, bên cạnh đó sức cơ hồi phục hoàn toàn, tiếp xúc tốt và thực hiện được các y lệnh của bác sĩ. Bệnh nhân được theo dõi sát thêm một thời gian để phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra do lượng độc tố ăn phải quá mạnh.

Tetrodotoxin là một loại độc tố thần kinh thường có trong da, gan hoặc thịt của một số sinh vật biển như sam, ốc, bạch tuộc, đặc biệt là cá nóc. Nếu ăn phải thức ăn có độc tố Tetrodotoxin, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như tê, ngứa môi và phía trong miệng, yếu liệt cơ, hạ huyết áp... Các triệu chứng diễn ra rất nhanh, chỉ khoảng 10 phút sau ăn và có thể tử vong sau 30 phút trúng độc mà không cấp cứu kịp thời. - Bác sĩ Từ Kim Thanh, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Quận 2.

Theo báo điện tử Dân trí, cá mặt thỏ là loài cá sống chủ yếu ở khu vực các đảo Phú Quý, Bình Sơn, Quảng Ngãi. Loài cá này cũng có đầu, thân đuôi như những loài cá khác. Tuy nhiên, tên cá mặt thỏ cũng bắt nguồn từ hàm răng của cá mặt thỏ giống răng thỏ.

Ăn cá mặt thỏ, người đàn ông 40 tuổi hôn mê, tê liệt hoàn toàn - Ảnh 2.

Cá mặt thỏ. Ảnh pinimg.

Cá mặt thỏ sống ngoài khơi xa, nằm sâu dưới đáy cách mực nước biển từ 40 - 50m. Loài cá này cực kỳ hung dữ, với bộ răng nanh sắc khỏe chúng có thể quẫy rách lưới ngư dân. Cá mặt thỏ ăn tất cả các loài cá yếu hơn, thậm chí khi đói nó có thể ăn thịt cả đồng loại.

Thịt cá mặt thỏ là nguyên liệu chế biến nhiều món ngon nhưng do tính chất đặc biệt, da cá mặt thỏ là nguyên liệu sản xuất hoạt chất collagen tái tạo mô nên nó thường được lột ngay sau khi đánh bắt. Đây cũng là lý do trên bàn tiệc cá mặt thỏ luôn thiếu đi bộ da của nó.

Với tính chất quý hiếm và khó đánh bắt nên giá thành của cá mặt thỏ thường rất cao. Cá thường được chế biến và xuất hiện ở những gia đình quý tộc, những nhà hàng, khách sạn nổi tiếng và phục vụ cho giới thượng lưu thưởng thức.

Để đánh bắt được cá mặt thỏ, ngư dân phải chuẩn bị những tấm lưới dày, chắc để có thể chống lại hàm răng sắc nhọn như răng thỏ của chúng.

Tuy nhiên, nhiều người dân biển gọi cá mặt thỏ là cá nóc mú không chỉ bởi hình dạng tương đồng mà vì cá này cũng chứa độc tố Tetrodotoxin (TTX) tương tự gây chết người như cá nóc. Độc tố thường tập trung ở trứng gan mật. Chính vì thế, khi chế biến món ăn nếu để chất độc này dính vào thì người ăn dễ bị ngộ độc.

Bất chấp nguy hiểm người dân vẫn ăn cá nóc Bất chấp nguy hiểm người dân vẫn ăn cá nóc Quảng Ngãi: Ăn cá nóc, 6 người bị ngộ độc Quảng Ngãi: Ăn cá nóc, 6 người bị ngộ độc Cẩn trọng nguy cơ mất mạng vì ngộ độc cá nóc mít Cẩn trọng nguy cơ mất mạng vì ngộ độc cá nóc mít

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước