Tết không chỉ là sự khởi đầu mới mà còn mang những nét đẹp về văn hóa truyền thống, về phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, có một số phong tục tập quán đang nhạt dần và không ít người chẳng còn biết đến cái Tết xưa. Để tái hiện hình những hình ảnh này, Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã trưng bày những hình ảnh về Tết cổ truyền của người Việt những năm 1970.
Cả nhà cùng quây quần gói bánh chưng, được bố mẹ cho đi chợ quê mua quần áo, sắm Tết, đi lễ chùa đầu năm hay chơi các trò chơi dân gian như đu quay, chơi đáo… là hình ảnh về những cái Tết cách đây nhiều năm mà đến giờ ông Hồ Minh Trí chẳng thể quên. Hôm nay, những ký ức ấy lại được sống lại và gợi nhiều cảm xúc khi ông đến triển lãm về Tết cổ truyền của người Việt những năm 1970.
"Tôi có một chút bâng khuâng, bởi ngày xưa chợ hoa chỉ có lên Hàng Lược, Ngọc Hà, chợ hoa không nhộn nhịp như bây giờ, chỉ có đào, lay ơn, violet, bố mẹ mua cho một cành đào bé, cắm vào lọ, bày trên bàn thờ là quý lắm rồi. Chiều 30 Tết, đi mua tem phiếu, mua được mấy kg thịt về, mấy nhà chung nhau mới luộc được một nồi bánh chưng", ông Hồ Minh Trí (Hà Nội) nhớ lại.
Xưa kia nồi bánh chưng như trung tâm của các hoạt động ngày Tết. Chiều 30 Tết, mọi nhà đều có nồi bánh chưng luộc để dâng lên tổ tiên vào phút giao thừa. Những gia đình có trẻ nhỏ, có khi còn gói riêng những chiếc bánh nhỏ, từ chút gạo, thịt thừa, có khi chỉ còn vỏ đỗ chứ chẳng có đỗ xanh cho con trẻ vui.
Ngày nay, với sự chuyển mình của xã hội, Tết cũng đã khác xưa nhiều. Đã vắng mùi bếp bánh chưng luộc vì phố phường chật chội, cuộc sống cũng bận rộn hơn trước, nhiều người còn chẳng có thời gian về ăn Tết cùng gia đình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!