Quan hệ Việt Nam – LB Nga dưới góc nhìn Đại sứ Ngô Đức Mạnh

T.K (Theo BNG)-Thứ ba, ngày 07/08/2018 17:32 GMT+7

VTV.vn - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh đã có cuộc trả lời phỏng vấn nhân dịp Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30.

Xin Đại sứ đánh giá về quan hệ Việt Nam và Liên bang Nga hiện nay?

Đại sứ Ngô Đức Mạnh: Trong suốt gần 7 thập kỷ qua, từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950, trở thành Đối tác chiến lược năm 2001 và nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện tháng 7/2012, quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga đã được thử thách qua thời gian, trở thành tài sản quý báu của nhân dân hai nước, đang phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu với nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực.

Quan hệ chính trị với độ tin cậy cao ngày càng được tăng cường thông qua cơ chế trao đổi đoàn và tiếp xúc song phương thường xuyên ở các cấp, đặc biệt là cấp cao và cơ chế tham vấn, đối thoại chiến lược. Chúng ta triển khai quan hệ với bạn trên tất cả các kênh, trong mọi lĩnh vực từ đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đến hợp tác địa phương, ngoại giao nhân dân và điều đặc biệt là tình cảm nồng ấm của nhân dân hai nước đối với nhau ngày càng được củng cố và tăng cường. Hai bên cũng luôn hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, APEC, ASEM, ASEAN - Nga…

Gần đây nhất là chuyến thăm chính thức Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào tháng 6/2017, Tổng thống Putin đã tham dự APEC Việt Nam 2017 tại Đà Nẵng và có cuộc gặp cấp cao bên lề Hội nghị vào tháng 11/2017… đã tạo thêm động lực mới mạnh mẽ, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư giữa hai nước tiếp tục phát triển năng động. Các dự án hợp tác dầu khí được triển khai hiệu quả tại cả hai nước, đặc biệt là Liên doanh Vietsovpetro thành lập năm 1981 đến nay vẫn tiếp tục là biểu tượng của sự hợp tác Việt - Nga, là trụ cột của ngành thăm dò và thai thác dầu khí của Việt Nam. Việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực lắp ráp, sản xuất ô tô hứa hẹn đem đến những chuyển biến tích cực trong quan hệ kinh tế Việt - Nga.

Sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2016, kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng nhanh với tốc độ hơn 30%/năm (Theo số liệu của bạn, kim ngạch thương mại hai nước năm 2017 tăng kỷ lục đạt mức 5,2 tỷ USD, cao nhất là từ năm 1991. Theo số liệu của Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch song phương đạt 2,3 tỷ USD, tăng 42% so với năm 2017, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 1,24 tỷ USD, tăng 24% và nhập khẩu đạt 1,06 tỷ USD, tăng 59,5%).

Về đầu tư, ngoài hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, tính đến tháng 6 năm 2018, LBNgacó 117 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt gần một tỷ USD. Việt Nam có 22 dự án đầu tư vào Nga với tổng số vốn đầu tư mới và tăng vốn đạt gần 3 tỷ USD. Việc Tập đoàn TH True Milk đầu tư hơn 2 tỷ USD vào các dự án nuôi bò sữa và chế biến sữa tại tỉnh Moscow, Kaluga là một điểm sáng trong quan hệ hai nước. Phát huy những thành công trong hợp tác trên lĩnh vực năng lượng truyền thống, hai bên đang tích cực nghiên cứu triển khai các dự án hợp tác về năng lượng tái tạo, giống cây trồng, thuốc trừ sâu cho nông nghiệp. Hợp tác trong sản xuất thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh như thuốc chữa ung thư, thuốc đông y có nhiều triển vọng.

Quan hệ Việt Nam – LB Nga dưới góc nhìn Đại sứ Ngô Đức Mạnh - Ảnh 1.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh

Quan hệ quốc phòng, an ninh giữa Việt Nam - Liên bang Nga có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu, thực chất, nhất là trong hợp tác về đào tạo cán bộ, chuyển giao vũ khí, trang bị… Việt Nam xác định Nga là đối tác tin cậy và triển vọng nhất trong hợp tác quân sự. Trên thực tế, Nga đã cung cấp cho Việt Nam nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại và hợp tác trong sửa chữa, tăng hạn sử dụng của các thiết bị; chuyển giao công nghệ, nhất là trợ giúp đào tạo, huấn luyện và cử chuyên gia sang giúp Việt Nam…

Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, quan hệ giữa các địa phương phát triển mạnh và ngày càng đi vào thực chất, chú trọng hơn đến hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục.

Về giáo dục, trong mấy năm gần đây, Chính phủ Nga đã cấp cho gần 1.000 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang theo học tại các trường đại học Nga, số lượng cao hơn cả thời kỳ Liên Xô cũ. Các lĩnh vực du lịch, văn hóa, giao lưu nhân dân tiếp tục được đầy mạnh. Hai bên thường xuyên tổ chức Những ngày văn hóa, Tuần văn hóa, các cuộc triển lãm, hội thảo giới thiệu về đất nước, con người của nhau.

Số người Nga sang du lịch Việt Nam vẫn đứng đầu châu Âu – năm 2017 có hơn 600 nghìn lượt người Nga đi du lịch Việt Nam và trong 6 tháng đầu năm 2018, đạt 338.393 lượt, tăng 7,9% so với cùng kỳ. Ngược lại, có hàng chục nghìn người Việt Nam đã sang Nga du lịch trong 2 năm trở lại đây, đặc biệt là trong kỳ World Cup vừa qua, rất nhiều cổ động viên Việt Nam sang Nga du lịch và ra sân xem các trận đấu bóng đá.

Một số nhà Việt Nam học, chuyên gia nghiên cứu về châu Á nhận định rằng quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và LB Nga hiện chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước. Đại sứ có suy nghĩ gì về những nhận xét này và xin Đại sứ cho biết những "điểm nghẽn", cũng như những biện pháp để thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới, nhất là quan hệ về kinh tế, thương mại?

Đại sứ Ngô Đức Mạnh: Đây là điều tôi rất trăn trở khi nhận nhiệm vụ làm Đại sứ Việt Nam tại LB Nga. Nhìn lại những con số cụ thể, đặc biệt là cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước phấn đấu đạt kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD vào năm 2020 thì thấy từ nay đến 2020 thời gian còn lại không còn nhiều, đòi hỏi các cơ quan hữu quan, các doanh nghiệp của hai nước, trong đó có có Đại sứ quán phải hết sức nỗ lực mới đạt được mục tiêu đề ra.

Theo tôi, hai bên cần quyết liệt tích cực tìm kiếm những phương thức hợp tác mới, có tính khả thi cao, có lợi cho cả hai bên, đặc biệt cố gắng tạo những điểm đột phá. Thứ nhất, triển khai đồng bộ và có kết quả những thỏa thuận hợp tác giữa hai nước. Điều này đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc khẩn trương của các bộ, ngành và địa phương. Thứ hai, nâng cao vai trò cơ chế hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ, tăng cường công tác tham vấn, giám sát của các cơ quan Quốc hội hai nước đối với việc thực hiện các thỏa thuận đã ký. Thứ ba, cần cải tiến thủ tục hành chính, điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và làm việc có thời hạn trên lãnh thổ của nhau. Và đặc biệt có biện pháp thúc đẩy thương mại, triển khai có hiệu quả các dự án của Nga tại Việt Nam; tăng cường giao lưu nhân dân.

Theo hướng này, năm 2019, hai nước sẽ tổ chức Năm Chéo – Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam. Chúng ta cần triển khai một cách bài bản, có kế hoạch, huy động sự phối hợp và tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương có liên quan. Cần chú trọng hơn tới việc đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức xã hội, đoàn thể, tăng cường giao lưu giữa thế hệ trẻ hai nước, truyền lửa của các cựu chiến binh Nga, những người gắn bó với Việt Nam tới thế hệ trẻ, để giúp họ hiểu về quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc trong suốt gần 70 năm quan hệ, tạo động lực thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới.

Đại sứ có thể nói rõ hơn về những "điểm nghẽn" cản trở phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước và các biện pháp khắc phục?

Đại sứ Ngô Đức Mạnh: Tôi cho rằng những "điểm nghẽn" hiện nay là chúng ta chưa có những cơ chế hữu hiệu để phát huy những tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước. Đó là khó khăn trong xuất khẩu hàng thủy sản, cũng như là hoa quả nhiệt đới sang Nga, một lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế. Để thâm nhập vào hệ thống phân phối tại Nga, thì vẫn còn tồn tại những rào cản nhất định như vấn đề kiểm dịch động thực vật, cũng như việc tiếp cận mạng lưới siêu thị, trong khi người Nga có nhu cầu chính đáng để hưởng thụ những thành quả trong phát triển nông nghiệp ở Việt Nam. Thứ hai là giữa doanh nghiệp hai nước còn thiếu thông tin về nhau nên chưa có đủ độ tin cậy trong giao dịch thương mại.

Vì vậy, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước nắm bắt các thông tin về nhau, tăng cường các giao dịch trực tiếp, loại bỏ dần các chi phí trung gian, chúng ta cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại như tọa đàm, hội thảo, triển lãm thương mại, du lịch, quảng bá tiềm năng thế mạnh của hai bên trên các phương tiện truyền thông đại chúng; thành lập trung tâm xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu. Việc Trung tâm xuất khẩu Nga mở Văn phòng đại diện tại Việt Nam và có nhiều hoạt động hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp Nga tìm hiểu thị trường và xuất khẩu hàng hóa Nga sang Việt Nam là mô hình tốt để chúng ta học tập. Mặt khác, cần xây dựng cơ chế hữu hiệu trong xử lý các tranh chấp thương mại theo đúng thông lệ quốc tế và luật pháp của hai nước.

Một điểm nghẽn khác cần giải tỏa là vấn đề thanh toán. Tôi nghĩ rằng trong điều kiện hiện nay, với sự ổn định tương đối của đồng Rúp và Việt Nam đồng, cần mở ra kênh thanh toán với nhau bằng nội tệ của hai nước. Ngân hàng trung ương của hai nước cần đưa ra hình thức bảo lãnh cho chế độ thanh quyết toán như vậy. Liên quan đến thúc đẩy hợp tác địa phương và du lịch, hai bên cần tổ chức thêm các chuyến bay charter tới các địa điểm du lịch ở Việt Nam và Nga.

Quan hệ Việt Nam – LB Nga dưới góc nhìn Đại sứ Ngô Đức Mạnh - Ảnh 2.

Đại sứ Ngô Đức Mạnh gặp Chủ tịch Đảng DCTD.

Các địa phương của ta cần chủ động hơn trong quảng bá hình ảnh và tiềm năng của mình, nhất là quan tâm hơn tới việc xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên giỏi tiếng Nga, có nghiệp vụ tốt, hiểu về văn hóa Nga, biết giới thiệu cho du khách Nga về những nét văn hóa độc đáo của dân tộc ở những địa phương có đông du khách Nga tới thăm quan, nghỉ dưỡng như Phú Quốc, Bình Thuận, Nha Trang, Quảng Ninh.

Hiện nay, giới trẻ Việt Nam có xu hướng "chạy theo" văn hóa và lối sống của phương Tây, Hàn Quốc… Trong khi đó, văn hóa Nga, ngôn ngữ Nga một thời đã từng "ăn sâu" vào tâm trí thế hệ những người như Đại sứ, những người đã từng sống, học tập và làm việc nhiều năm trên đất nước Nga, dường như ít được giới trẻ ta quan tâm Phải chăng đây là những khuyết điểm, hạn chế của các cơ quan chức năng hai nước trong việc đẩy mạnh tuyên truyền về đất nước và con người của nhau?

Đại sứ Ngô Đức Mạnh: Đúng là có thời kỳ phát triển đỉnh cao về giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa, thể thao giữa hai nước. Thế hệ chúng tôi được xem nhiều phim do các hãng phim nổi tiếng của Liên Xô trước đây như Lenfilm, Mosfilm sản xuất, được hưởng thụ một nền văn hóa Nga vĩ đại từ văn học cổ điển, đến văn học Nga thời kỳ chiến tranh vệ quốc qua những dịch giả Việt Nam nổi tiếng, rồi phong trào học tiếng Nga nở rộ khắp nơi.

Đặc biệt, có rất nhiều người Việt Nam được cử sang Liên Xô học và trở thành những cán bộ có năng lực trở về phục vụ đất nước. Tất cả những điều đó làm cho giao lưu nhân dân ngày cảng phát triển. Chúng ta đang hưởng những thành quả của quá khứ thời Xô Viết, còn hiện nay, mặc dù lượng sinh viên được cử sang Nga học tập đạt mức gần 1.000 người/năm, cao hơn cả thời kỳ Xô Viết (chỉ khoảng 500-600 người) nhưng trên màn ảnh nhỏ Việt Nam vắng bóng phim Nga, các đoàn nghệ thuật của Nga cũng ít sang biểu diễn ở Việt Nam.

Có nhiều loại hình nghệ thuật đỉnh cao của Nga như ba lê được nhân dân Việt Nam rất ưa chuộng hay nền thể thao Nga cũng rất mạnh, đạt nhiều thành tích trên thế giới nhưng giữa hai bên ít có giao lưu. Vì vậy, cần phải có kế hoạch hợp tác cụ thể giữa các cơ quan chức năng hai nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao để tăng cường giao lưu trong các lĩnh vực này.

Thứ hai, cần phải chủ động tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao giữa các địa phương kết nghĩa; giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật Nga trên sân khấu, rạp chiếu phim và các phương tiện thông tin đại chúng của ta; tăng cường thu hút nhiều hơn thế hệ trẻ Việt Nam sang Nga học tập, tiếp thu những tinh hoa của nền giáo dục Nga. Mặt khác, cần xây dựng mạng lưới những người Nga học, nhóm những người bạn của Việt Nam, trong đó chú trọng thu hút các thanh niên hai nước để kế tiếp lớp người đã lớn tuổi.

Đại sứ phát biểu như vậy thì càng thấy rõ tầm quan trọng của việc tổ chức Năm Chéo trong năm 2019. Về phần mình, Đại sứ quán đã làm gì để chuẩn bị tổ chức các hoạt động hữu nghị trong năm 2019?

Đại sứ Ngô Đức Mạnh: Năm Chéo hay ta thường gọi là Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam vào năm 2019 là một sự kiện lớn, mang nhiều ý nghĩa trong việc tăng cường hợp tác giữa hai nước, kéo dài cả năm với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, địa phương của cả hai nước. Đây không phải chỉ là hoạt động giao lưu văn hóa, mà còn cả có việc trao đổi đoàn cấp cao, tổ chức các buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư…

Quan hệ Việt Nam – LB Nga dưới góc nhìn Đại sứ Ngô Đức Mạnh - Ảnh 3.

Đại sứ Ngô Đức Mạnh tiếp Thống đốc tỉnh Irkutsk.

Thời gian qua, Đại sứ quán đã kịp thời tham mưu cho các cơ quan chức năng trong nước về tình hình của Nga, về quan hệ giữa hai nước, đề xuất, kiến nghị về cách thức tổ chức các hoạt động của ta trong Năm Việt Nam tại Nga năm 2019. Tôi đã hai lần gặp ngài Đặc phái viên của Tổng thống Nga về văn hóa để bàn thảo chương trình khung của Năm 2019. Cá nhân tôi cũng đã đi thăm nhiều địa phương của bạn như Bashkiria, Tatarstan, Saint Peterburg; làm việc với Thống đốc các tỉnh Moscow, Kaluga, Irkutsk, Saint Peterburg để tìm hiểu khả năng hợp tác của các địa phương này với các địa phương của Việt Nam, chắp nối để thúc đẩy và thiết lập quan hệ giữa các địa phương hai nước, đặc biệt đẩy mạnh việc ký các thỏa thuận hợp tác.

Chúng tôi đã thu xếp thành công để tỉnh Quảng Ninh đi thăm Irkutsk và ký thỏa thuận hợp tác với hai tỉnh; tổ chức một loạt các hoạt động tại Saint Peterburg kỷ niệm 95 năm Ngày Bác Hồ đặt chân đến nước Nga với sự tham dự của Đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Minh do đồng chi Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy, cùng các đoàn Hải Phòng, Khánh Hòa, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Qua đó, Đại sứ quán đã góp phần chủ động xây dựng các kế hoạch, chương trình kết nối giữa các địa phương và tiến tới hoàn chỉnh các chương trình hoạt động trong năm 2019 để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, sau đó tích cực triển khai thực hiện.

Cộng đồng người Việt Nam ở Liên bang Nga theo con số thống kê chưa đầy đủ có khoảng gần 100.000 người. Đây là một cộng đồng rất mạnh, và thành đạt và có nhiều đóng góp tích cực đối với quê hương, đất nước. Đại sứ có thể cho biết đôi nét về công tác bảo hộ công dân, cộng đồng tại Nga như thế nào? Một điều mong mỏi của cộng đồng ta lâu năm là được hợp pháp giấy tờ để có thể định cư lâu dài tại Liên bang Nga. Đại sứ có thể nói rõ hơn về vai trò của Đại sứ quán trong vấn đề này?

Đại sứ Ngô Đức Mạnh: Công tác bảo hộ công dân, công tác cộng đồng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Đại sứ quán. Chúng ta vui mừng khi có đông người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nga. Nhiều người trong số họ đã có thẻ định cư lâu dài, lấy vợ, lấy chồng là người Nga. Thế hệ thứ hai của người Việt tại đây được sinh ra và lớn lên, được học hành bài bản tại Nga và đang tham dự tích cực vào đời sống kinh tế, xã hội ở sở tại. Phải khẳng định rằng, chính quyền Nga đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ta sinh sống và làm việc tại Nga. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những trường hợp vi phạm kỷ luật, thậm chí pháp luật của sở tại.

Đại sứ quán thường xuyên nắm bắt thông tin và kịp thời có những biện pháp giúp bà con giải tỏa những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ bà con các thủ tục giấy tờ do Việt Nam cấp, giải quyết những vấn đề với chính quyền sở tại vì nhiều người Việt Nam không nắm vững tiếng Nga, cũng như luật pháp sở tại qua đó, giúp bà con ta ổn định cuộc sống, làm ăn trên đất bạn.

Một số bà con vì những lý do khác nhau, đã vi phạm luật cư trú của Nga, Đại sứ quán đã tạo điều kiện thuận lợi để bà con hồi hương về nước trật tự. Chính phủ Nga cho phép những người sang Nga trước 31/5/2014 mà ở lại quá hạn thì được hưởng chế độ cấp visa TP1, được tạo điều kiện về nước không theo dạng trục xuất và như vậy họ có cơ hội quay lại nước Nga với điều kiện họ làm đúng các thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành của Nga. Hiểu rõ hoàn cảnh phần lớn bà con ta vì lý do kinh tế, gia đình nên ở lại quá hạn, do đó, chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp với phía bạn xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho họ được quay lại Nga.

Vấn đề hợp pháp hóa giấy tờ là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn là việc chuyển đổi phương thức làm ăn để thích ứng với tình hình nước Nga hiện nay. Hiện nay, mô hình chợ đã lỗi thời, theo Đại sứ, cần chuyển đổi mô hình làm ăn của bà con ta tại Nga như thế nào?

Đại sứ Ngô Đức Mạnh: Tôi nghĩ là mô hình chợ về tương lai vẫn còn, chỉ có điều là bà con ta làm ăn, buôn bán ở đó có hợp pháp không, có nghĩa là phải tuân thủ các quy định của bạn về lưu trú, thuế, xuất xứ hàng hóa… Cách "làm chui" rõ ràng là không thể chấp nhận được, tạo ra hình ảnh không tốt đẹp về cộng đồng Việt Nam tại Nga.

Về cơ bản, có nhiều mô hình, cách làm ăn mới có thể tham khảo như mở các quán ăn Việt Nam trong thời điểm ẩm thực Việt Nam đang lên ngôi ở nhiều thành phố Nga theo đúng tinh thần "ngon, bổ, rẻ", mang đậm phong cách Việt; mở các loại dịch vụ như sửa chữa xe ô tô, xây dựng, làm nail, cắt tóc, du lịch… Các xưởng may của người Việt tại Nga đã có thời kỳ rất phát triển vì lao động Việt Nam khéo léo, chăm chỉ và nhu cầu thị trường Nga đối với hàng may mặc rất lớn.

Về hiện tại cũng như trong tương lai, không thể duy trì mãi "các xưởng may đen". Tôi mong ngày càng nhiều xưởng may hoạt động một cách hợp pháp, tuân thủ các yêu cầu của sở tại như có giấy phép mở xưởng, tuyển lao động, nộp thuế, tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ…, hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ thì mới đưa vào hệ thống siêu thị của bạn được. Tất cả điều đó giúp cho bà con có cuộc sống và làm ăn ổn định, lâu dài, phát huy được đức tính lao động siêng năng, cần cù, khéo léo và sáng tạo của lao động Việt Nam.

Đại sứ là người gắn bó với nước Nga rất lâu, nhiều năm học ở trường MGU từ trình độ cử nhân đến tiến sĩ. Đại sứ cũng có ba nhiệm kỳ là đại biểu Quốc hội và nhiều lần sang công tác ở Nga. Đặc biệt, lần này ông sang Nga công tác trên một cương vị rất quan trọng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại LB Nga. Đại sứ có thể chia sẻ với độc giả báo những ấn tượng, kỷ niệm sâu sắc nhất của mình về nước Nga?

Đại sứ Ngô Đức Mạnh: Lần này trở lại nước Nga với tư cách là Đại sứ Việt Nam tại Nga là một vinh dự lớn đối với bản thân tôi và là môt cơ duyên. Tôi gắn bó với nước Nga khi bắt đầu bước vào tuổi thanh xuân và bây giờ là thời gian trực tiếp tại địa bàn đóng góp vun đắp cho quan hệ hai nước ở nơi mình bắt đầu từ một cậu sinh viên. Trong lòng tôi luôn đầy ắp những kỷ niệm về nước Nga, về thầy giáo, về các chính khách của Nga.

Với nước Nga, ngoài các câu chuyện về một nước Nga thanh bình, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, con người Nga nhân hậu, dễ mến, tôi có ấn tượng sâu sắc về văn hóa đọc của người Nga. Người Nga có thể đọc ở mọi nơi, mọi lúc, trên tầu điện ngầm, xe buýt, đọc khi cả đang đi chơi với người yêu ở công viên. Hiện nay, tôi thấy văn hóa đọc của người Nga suy giảm. Người Nga bây giờ, nhất là lớp trẻ, dùng nhiều máy tính bảng, smartphone thông qua Internet để cập nhật thông tin. Nhớ lại thời kỳ ấy, tôi cho rằng chính văn hóa đọc ấy đã ảnh hưởng đến lối sống của sinh viên chúng tôi thời xưa. Sau giờ học lên lớp, cả sinh viên Nga và các nước ùa vào các phòng đọc. Rất tiếc, tôi chưa có dịp chứng kiến những cảnh đấy bây giờ.

Tôi còn có nhiều kỷ niệm đẹp với các thầy cô giáo. Thầy giáo hướng dẫn tôi làm luận án nghiên cứu sinh quả thực như một người cha, một người bạn gần gũi. Ông hướng dẫn tôi vừa về phương pháp đọc, phương pháp nghiên cứu, vừa về cách lập luận, suy nghĩ cho mỗi vấn đề mình đặt ra. Với chính khách Nga tôi cũng có nhiều kỷ niệm. Khi gặp ông Menhikov, Phó Chủ tịch thứ nhất Duma Quốc gia Nga, Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản Nga, quà tặng của tôi đơn giản là bức ảnh tôi chụp cùng với ông và ông Shevchenco, hiện nay là Thống đốc tỉnh Irkutsk cùng uống nước dừa tại Bến Tre năm 2014, Ông là chính khách Nga đầu tiên mà tôi gặp khi sang Moscow nhận nhiệm vụ. Vượt qua những nghi lễ ngoại giao, ông tiếp tôi ngay tại phòng làm việc, chỉ cho tôi xem những bức ảnh chụp ở Việt Nam. Chúng tôi đã trở thành người bạn hết sức gần gũi.

Quan hệ Việt Nam – LB Nga dưới góc nhìn Đại sứ Ngô Đức Mạnh - Ảnh 4.

Đại sứ Ngô Đức Mạnh chụp ảnh lưu niệm với Tổng thống Putin

Đặc biệt, tôi có ấn tượng hết sức sâu sắc về tính cách của Tổng thống Putin, khi vinh dự được tiếp xúc với ông dịp trình Quốc thư lên Tổng thống. Tôi cảm thấy ông rất gần gũi, nhất là ánh mắt sáng, thông minh và nụ cười hóm hỉnh. Khi biết tôi là Đại sứ Việt Nam, ông tỏ ra rất vui mừng như được gặp lại người bạn. Ông nhắc lại những kỷ niệm khi thăm Việt Nam. Tổng thống Putin nói chỉ vừa đủ nghe nhưng ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề.

Xin cảm ơn Đại sứ đã dành thời gian trả lời phỏng vấn. Chúc Đại sứ luôn khỏe mạnh, hạnh phúc và đạt nhiều thành tích trên cương vị đầy trọng trách của mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước