Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) bàn giao thiết bị máy cắt dây WEDM và phần mềm CAD 3D cho trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Nguồn: molisa
Tại Việt Nam hiện nay, chất lượng đào tạo nghề được đánh giá là đã có nhiều chuyển biến so với trước đây, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, kỹ năng nghề của lao động Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn so với các nước phát triển trên thế giới và trong khu vực. Vì vậy, để hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng đào tạo nghề, trong thời gian qua, Chính phủ Nhật Bản, thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế JICA đã thực hiện dự án tăng cường năng lực đào tạo cho giáo viên kỹ thuật dạy nghề tại Việt Nam.
Đến nay, ông Phan Tiến Việt, giảng viên Trung tâm Việt - Nhật, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tham gia 3 khóa học bồi dưỡng dành cho giáo viên dạy nghề theo mô hình Nhật Bản được tổ chức tại Đại học Công nghiệp Hà Nội, với sự hỗ trợ từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA. Ông Việt cho biết: “Chúng tôi đã học hỏi rất nhiều về phong cách làm việc, cách chuẩn bị trước khi tổ chức một khóa học, bổ trợ kiến thức mà mình chưa được tiếp cận, nhất là những kiến thức mới, phần mềm mới”.
Các khóa học dành cho giáo viên dạy nghề theo mô hình Nhật Bản, với lĩnh vực đào tạo là cơ khí, điện và điện tử được bắt đầu từ năm 2014 tại Đại học Công nghiệp Hà Nội. Cho đến nay, 136 giáo viên của trên 30 cơ sở giáo dục, đào tạo nghề trong cả nước đã tham gia các khóa học này. Giáo trình của khóa học được biên soạn sau khi các chuyên gia đã khảo sát trình độ của giáo viên dạy nghề. Phía Nhật Bản cũng chuyển giao nhiều máy móc cho Việt Nam để các học viên có thể tiếp xúc trực tiếp với thiết bị hiện đại ngay trong quá trình học.
Ông Trần Đức Quý, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết: “Đội ngũ giáo viên được tiếp cận với các thiết bị, công nghệ hiện đại và đã có kinh nghiệm thiết kế, xây dựng các chương trình, viết giáo trình dạy nghề theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Đội ngũ giáo viên cũng được nâng cao về kỹ năng nghề, được cập nhật những công nghệ mới về các nghề của Nhật Bản”.
Sau khi tiếp nhận các khóa đào tạo, Đại học Công nghiệp Hà Nội sẽ chuyển giao mô hình đào tạo này cho các cơ sở giáo dục và đào tạo nghề trên cả nước. Mục tiêu lâu dài của dự án là áp dụng tiêu chuẩn dạy nghề của Nhật Bản tại tất cả các trường dạy nghề ở Việt Nam.
Ông Yoshiaki Urabe, Chuyên gia JICA về lĩnh vực cơ khí cho rằng: “Với phương thức giảng dạy của Nhật Bản, các học viên Việt Nam có thể học hỏi thêm những kiến thức mà họ đã biết và những kiến thức mới. Tuy nhiên điều quan trọng là sau này tự bản thân các học viên sẽ vận dụng thực hành, tích lũy kinh nghiệm như thế nào”.
Trong Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011- 2020 của Việt Nam, việc nâng cao năng lực của giáo viên dạy nghề là một trong những chính sách được ưu tiên hàng đầu. Với những hỗ trợ từ phía Nhật Bản, trong tương lai các cơ sở đào tạo nghề của Việt Nam được kỳ vọng sẽ có nhiều hơn các chương trình đào tạo trình độ cao, đạt được những tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong nước.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.