Hội nhập trong lĩnh vực ngân hàng - Cơ hội và thách thức

Kim Vân - Tiến Lâm (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Thứ bảy, ngày 19/09/2015 15:00 GMT+7

Việc mở cửa sâu rộng hơn nữa đối với lĩnh vực ngân hàng là điều tất yếu.

VTV.vn - Nếu không muốn thị phần rơi vào tay khối ngoại, các ngân hàng phải nhanh chóng khắc phục điểm yếu, đổi mới toàn diện, tăng cường liên kết để nâng cao tính cạnh tranh.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến đầu năm nay Việt Nam đã có 47 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 4 ngân hàng liên doanh và 53 văn phòng đại diện của các ngân hàng nước ngoài. Sự gia tăng đầu tư của các ngân hàng nước ngoài một mặt có tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường tài chính, mặt khác cũng đem đến những thách thức mới cho khối ngân hàng trong nước.

Chi nhánh thứ 15 của ngân hàng Shinhan Hàn Quốc tại Việt Nam vừa chính thức đi vào hoạt động từ trung tuần tháng 9. Shinhan Hàn Quốc là một trong những ngân hàng nước ngoài có mặt sớm nhất tại Việt Nam. Đại diện ngân hàng cho biết, Việt Nam đang là thị trường đầu tư trọng điểm của ngân hàng này.

Ông Heo, Young Taeg, Tổng giám đốc ngân hàng Shinhan - Hàn Quốc nói: “Ngân hàng chúng tôi có một tầm nhìn lạc quan về nền kinh tế của Việt Nam, trong chiến lược phát triển ngắn hạn chúng tôi hướng tới các hoạt động cho vay cá nhân, đối tượng là doanh nghiệp vừa và nhỏ với môi trường đầu tư tốt, Việt Nam hoàn toàn phù hợp với định hướng mở rộng mạng lưới của chúng tôi”.

Còn tại Văn phòng đại diện Ngân hàng CTBC Đài Loan, những cuộc điện thoại đang đưa đến cho các doanh nghiệp Đài Loan những thông tin thiết thực về thủ tục vay vốn, mở tài khoản tại Việt Nam.

Ông Zheng Jin Qiāng - Elton Cheng, Giám đốc văn phòng đại diện ngân hàng CTBC - Đài Loan: “Thực tế trước kia doanh nghiệp Đài Loan chủ yếu đầu tư vào Trung Quốc Đại lục, dần dần chúng tôi lựa chọn Việt Nam vì chúng tôi nhìn thấy được sự tiến bộ của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam tích cực hơn so với các nước xung quanh, ví dụ Việt Nam tham gia FTA, TPP, các hiệp định thương mại tự do. Vì vậy môi trường kinh doanh ở Việt Nam có rất nhiều cơ hội và phát triển nhanh chóng. Cho nên doanh nghiệp Đài Loan rất thích Việt Nam và chúng tôi theo chân doanh nghiệp đến Việt Nam”.

Việc mở rộng hoạt động của ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam góp phần thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam, đa dạng hóa thị trường tài chính, nhưng cũng tạo ra không ít sức ép đối với các ngân hàng nội.

Chẳng hạn, tại các ngân hàng nước ngoài, không có những tấm kính ngăn cách giữa khách hàng với nhân viên ngân hàng và điều này giúp xóa bỏ rào cản, tăng hiệu quả giao tiếp với khách hàng. Bên cạnh sự khác biệt về phong cách làm việc, kinh nghiệm quản lý hay sự xông xênh về vốn cũng là những lợi thế của ngân hàng ngoại.

TS Hoàng Việt Trung, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP. Hà Nội: “Khi các ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam, họ có những lợi thế nhất định về công nghệ, kỹ thuật, đội ngũ nhân lực, thuận lợi đó sẽ tạo ra một số khó khăn cho ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên đây cũng là khía cạnh tốt đòi hỏi các ngân hàng Việt Nam phải tự phát triển, tự củng cố để tồn tại”.

Trong bối cảnh hội nhập, việc mở cửa sâu rộng hơn nữa đối với lĩnh vực ngân hàng là điều tất yếu. Theo các chuyên gia ngân hàng, nếu không muốn thị phần rơi vào tay khối ngoại, các ngân hàng phải nhanh chóng khắc phục điểm yếu, đổi mới toàn diện, tăng cường liên kết để nâng cao tính cạnh tranh.

Hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương nhất quán của Việt Nam "Hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương nhất quán của Việt Nam"

VTV.vn - Tại buổi tiếp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman vào sáng nay (9/9), Chủ tịch Quốc hội khẳng định, hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương nhất quán của Việt Nam.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước