Nguyễn Thu Phương sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông tại Uông Bí (Quảng Ninh). Lên 3 tuổi Phương đã biết hát xẩm Mục hạ vô nhân và những khúc dân ca Việt Nam. Phương chia sẻ rằng: "Lòng yêu mến âm nhạc dân gian bắt đầu từ những buổi nghe hát chèo, hát quan họ cùng bố mỗi tối thứ 7. Ngay từ khi còn rất nhỏ, Phương đã có thể bàn luận cùng bố về những nhân vật trong các vở chèo".
Tốt nghiệp Cao đằng Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh nhưng ra trường không xin được việc, Phương cùng bạn bè mở Trung tâm chăm sóc sắc đẹp. Năm 2008 tình cờ biết được thông tin Trung tâm nghiên cứu và phát triển âm nhạc dân gian đào tạo hát xẩm và hát trống quân miễn phí, Phương đã quyết định đăng kí theo học mặc dù sự quyết định ấy vấp phải sự ngăn cản của gia đình. Phóng viên VTV.vn đã có cuộc trao đổi với Cô gái thế hệ 8X có niềm đam mê hát xẩm này.
Nhớ về ngày đầu khi Phương từ bỏ công việc đang khá thuận lợi ở Quảng Ninh để lên Hà Nội theo học hát xẩm, có khi nào Phương thấy mình liều lĩnh? Và kỉ niệm mà chị nhớ nhất ngày đó là gì?
- Phương không thấy mình liều lĩnh bởi Phương tự tin vào khả năng của mình. Kỉ niệm mà Phương nhớ nhất là khi thấy Phương diễn trong chương trình Sức sống mới cả làng xem và bất ngờ khi làng mình có một nghệ sĩ. (Cười).
Thời gian đầu theo học Thu Phương có gặp nhiều khó khăn?
- Hát xẩm là một bộ môn nghệ thuật đang có nguy cơ thất truyền và mai một. Khi bắt đầu học hát xẩm một cách bài bản thì khó nhất là phải hiểu và cảm nhận được phong cách của nó. Thời gian đầu, Phương thường phải theo các thầy của trung tâm xuống các làng quê học và tìm hiểu thêm.
Để bắt nhịp với xẩm, Phương có mất nhiều thời gian?
- Thời gian để Phương tiếp cận cũng không mất nhiều thời gian bởi Phương cũng yêu thích dòng nhạc này và chuẩn bị được 10 năm rồi. Sau một tháng học tập miệt mài với thời gian tập luyện mỗi ngày từ 8 - 10 tiếng, Phương đã được đi diễn với các thầy tại sân khấu Đồng Xuân.
Cho đến lúc này, bố mẹ đã phần nào ủng hộ quyết định của Phương?
- Bây giờ thì bố mẹ đã hiểu và luôn luôn động viên mình học tập chăm chỉ.
Được biết Thu Phương còn đi biểu diễn ở nước ngoài. Vậy điều mà chị cảm nhận rõ nhất khi mang những làn điệu dân tộc đến với bạn bè quốc tế là gì?
- Được đi biểu diễn khắp các nước trên thế giới mình thấy trưởng thành hơn và trách nhiệm của bản thân với bộ môn âm nhạc truyền thống cũng nghiêm túc hơn. Với riêng mình, đây là trọng trách rất lớn bởi đó là niềm tự hào dân tộc, khát vọng mong muốn âm nhạc dân gian nước mình được thế giới biết đến một cách trọn vẹn. Tuy nhiên để thực hiện được mong muốn đó thì không phải một sớm một chiều có thể làm được mà điều đó đòi hỏi phải có sự nỗ lực của rất nhiều người.
Chị có cho rằng đó cũng là trách nhiệm của những nghệ nhân trẻ?
- Đúng vậy. Bản thân Phương thấy trăn trở rất nhiều. Để gìn giữ và phát huy nghệ thuật xẩm không chỉ là trọng trách với cả dân tộc mà đây còn là trọng trách rất lớn đối với nghệ nhân Hà Thị Cầu - nghệ nhân dành cả đời cho nghệ thuật hát xẩm.
Được biết chị còn tham gia dạy hát xẩm cho những bạn trẻ yêu thích dòng nhạc này và lớp học đó thu hút khá nhiều các 8X, 9X. Có thể nói đó là tín hiệu đáng mừng?
- Đây thực sự là điều rất đáng mừng. Âm nhạc dân gian là một dòng chảy không ngừng vì vậy việc đào tạo thế hệ trẻ phải ưu tiên hàng đầu, chỉ có con người mới có thể giữ được âm nhạc dân gian một cách hiệu quả nhất.
Thu Phương có thể chia sẻ về dự định của mình trong thời gian tới? Chị có dự định sẽ ra album về xẩm không?
- Mình sẽ tiếp tục tuyên truyền âm nhạc dân gian đến với công chúng trong cả nước. Gần 4 năm học tập miệt mài, Thu Phương cũng góp nhặt cho mình một vốn kha khá về hát xẩm, việc làm album cũng sẽ thực hiện gần đây. Hiện tại, mình cố gắng tập luyện thêm và tiếp tục hoàn thành chương trình đại học
Cảm ơn Thu Phương về cuộc trò chuyện. Chúc chị thành công.