Năm 1998, bộ phim truyền hình dài 9 tập mang tên Đội đặc nhiệm nhà C21 đã làm nên một cơn "địa chấn" trên màn ảnh nhỏ Việt Nam. Nội dung phim kể về 5 cậu nhóc học chung lớp, có chung niềm đam mê điều tra phá án và cùng lập ra nhóm đặc nhiệm chuyên khám phá những sự việc li kì tại khu nhà mình ở.
Những cái tên như Minh tổ cú, Sơn sọ, Sáng béo, Tùng quắt, Quang sọt, Tuyết mèo con, Hạnh tăm tre đã trở nên thân thuộc với nhiều thế hệ tuổi thơ. Đến nay, sau gần 20 năm, những cô cậu của "đội đặc nhiệm" năm xưa đều đã trưởng thành, lên chức bố mẹ. Mỗi người theo đuổi một con đường riêng, có người gắn bó với nghệ thuật, có người lựa chọn kinh doanh để mưu sinh. Nhưng dù đi đâu, kỉ niệm sâu đậm của những ngày "ăn cơm nghệ thuật" trở thành dấu ấn đẹp mà không ai quên được trong đời.
Trong số những cô, cậu đặc nhiệm ngày ấy, có lẽ anh chàng Quang sọt là có duyên gắn bó với điện ảnh nhất. Anh tên thật là Hán Quang Tú, từng là sinh viên lớp diễn viên Sân khấu Điện ảnh K24 của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội (từ năm 2004-2008). Sau khi tốt nghiệp với thành tích xuất sắc, anh tiếp tục học đạo diễn sân khấu năm 2010 và được giữ lại công tác tại khoa Sân khấu của trường.
Gặp anh Hán Quang Tú, nghe anh kể chuyện mới càng hiểu hơn công việc của một người thầy trong môi trường nghệ thuật. Đánh đổi niềm vui, niềm hạnh phúc được đứng trên sân khấu, diễn trước ống kính máy quay, nhận những tiếng vỗ tay tán thưởng hay hào quang của sự nổi tiếng, Quang Tú cùng các thầy cô trong ngôi trường Sân khấu điện ảnh chọn cách đi lặng lẽ đằng sau thành công của những ngôi sao điện ảnh tương lai.
Quang sọt - vai diễn đầy ấn tượng của Hán Quang Tú
"Đấu tranh nhiều trước khi lên bục giảng"
Hán Quang Tú tâm sự, anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật (bố mẹ anh là những NSND, NSƯT đang công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam) nên cái chất nghệ sĩ từ nhỏ đã ngấm vào máu thịt. Trước khi nhận lời tham gia bộ phim Đội đặc nhiệm nhà C21, anh đã đảm nhận một vai nhỏ trong Hà Nội mùa đông năm 46.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Quang Tú chọn Sân khấu Điện ảnh là con đường tương lai của mình. Suốt những năm tháng tại trường học, anh luôn đạt danh hiệu sinh viên giỏi, tốt nghiệp khoa Sân khấu với thành tích xuất sắc. Khi cầm trên tay tấm bằng, cũng giống như bao diễn viên trẻ khác, anh bắt đầu những ngày lao động nghệ thuật cực khổ, đầy nước mắt nhưng cũng không thiếu niềm vui. Cùng với những bạn diễn tại Nhà hát Kịch Việt Nam, cậu bé Quang sọt ngày nào gặt hái được nhiều trái ngọt, trong đó kỉ niệm đáng nhớ nhất là giải diễn viên xuất sắc với vai diễn Edop trong vở kịch "Edop" hay "Con cáo và chùm nho" tại Liên hoan sân khấu các trường nghệ thuật Châu Á tổ chức ở Bắc Kinh (ATEC) năm 2010.
Quang Tú (trái) nhận giải diễn viên xuất sắc tại liên hoan sân khấu các trường nghệ thuật Châu Á tổ chức ở Bắc Kinh (ATEC) năm 2010.
Cũng trong thời gian này, anh theo học chương trình Cao học tại trường. Thấy cậu học trò có thái độ nghiêm túc, tích cực lại thân thiện và nhiệt tình, các thầy cô trong khoa ngỏ ý giữ anh lại làm giảng viên. "Những ngày đầu nhận được thông tin này, mình vừa vui mừng, vừa lo lắng, vừa băn khoăn. Vui vì được sự tin tưởng, tín nhiệm của các thầy cô. Lo lắng vì không biết liệu mình có làm tốt trách nhiệm của một người thầy hay không. Còn băn khoăn vì khi đó mình vẫn còn là một diễn viên trẻ, vẫn muốn "xông pha", cống hiến cho nghệ thuật, cho khán giả", Quang Tú cho biết.
Anh chia sẻ thêm: "Khi đó mình mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ, xin ý kiến của gia đình và các tiền bối đi trước. Cảm giác đổ mồ hôi trên sàn tập, được sống hết mình dưới ánh đèn sân khấu hay trước máy quay, được nghe những tiếng vỗ tay của khán giả là điều cực kỳ tuyệt vời với tất cả các diễn viên. Nhưng rồi nghĩ đến việc tạo nên nhiều thế hệ kế cận đứng trên sàn diễn, mình thấy có thêm động lực để làm một người thầy, ngày đêm rèn giũa những viên ngọc thô, đứng đằng sau thành công của những tài năng tương lai".
Giờ Quang Tú là giảng viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh.
Đến nay, dù đã về trường công tác nhưng nhiều khi có thời gian rảnh anh vẫn "trốn" đi làm phim do quá nhớ nghề. Công việc cụ thể của anh là làm tiểu phẩm, quay các tình huống cho gameshow hoặc đi dàn dựng chương trình cho các đơn vị, doanh nghiệp. Thời gian gần đây, anh cũng tham gia một số dự án phim như Lạc lối hay Không có Eva, Cao hơn bầu trời, Cung đường trắng.
Với Quang Tú, cái khó của một giáo viên ngành nghệ thuật so với những thầy cô trong các ngành nghề khác đó là sự đòi hỏi luôn luôn đổi mới. "Bản thân nghệ thuật đã luôn đòi hỏi sự tư duy để tìm ra cái mới, mình là người tạo nên những người làm nghệ thuật thì sự đòi hỏi ấy phải tăng lên gấp bội. Phải luôn đổi mới để các bạn sinh viên không nhàm chán. Luôn đổi mới để bắt kịp xu thế nghệ thuật đương đại. Cái mới phải thể hiện từ cách giảng dạy, cách kiểm tra, cách dựng bài thi cho các sinh viên trong trường...".
Thầy giáo trẻ: Vừa dạy lại vừa dỗ
Là một người trẻ, lại tham gia nghệ thuật từ sớm nên thầy Hán Quang Tú khá tâm lý khi dạy dỗ các học sinh đang chập chững bước vào nghề.
"Sinh viên học các trường nghệ thuật là những người rất năng động và có thể nổi tiếng từ khi còn chưa tốt nghiệp. Nhưng với những kinh nghiệm mình tích lũy được, mình thường khuyên các em không nên nhận lời tham gia phim khi còn quá trẻ và bản thân mình cũng chưa hội tụ đủ những tố chất cần có của một diễn viên thực thụ. Việc nhận lời đóng phim khi còn quá trẻ sẽ khiến gương mặt các em bị "cũ". Nếu không thành công trong vai diễn đầu tiên, các em sẽ gặp trở ngại về tâm lí cũng như khiến hình ảnh mình thiếu chuyên nghiệp trong mắt khán giả. Hãy cứ đổ mồ hôi trên sân tập, rồi mình sẽ được tỏa sáng trên sân khấu - đó là điều tôi luôn nhắn nhủ các bạn sinh viên", Quang Tú chia sẻ.
Anh Tú trong giờ dạy môn Tiếng nói
Hiện Quang Tú chủ yếu dạy sinh viên năm nhất và năm hai. Đây là thời điểm quan trọng nhất của các diễn viên tương lai vì các bạn sẽ được học những kiến thức cơ bản cho nghề diễn. Từ cách lấy hơi, học phát âm, cách thoại, kỹ năng biểu lộ cảm xúc... đều được bồi đắp, mài giũa trong những năm đầu tiên này.
Theo chân anh trong một giờ học môn Tiếng nói mới biết những khó khăn mà một diễn viên trẻ phải trải qua. Trong một buổi học, các bạn phải kết hợp vận động với việc lấy hơi, đọc thơ, luyện cho việc phát âm được tròn vành rõ chữ, làn hơi to, khỏe, đều, sửa các lỗi phát âm như ngắn lưỡi, giọng địa phương... Môn học này là một trong những nền tảng đầu tiên của sinh viên năm nhất. Sau khi hoàn thành học phần này, các bạn sẽ có kinh nghiệm và kĩ năng hơn trong việc diễn đạt thoại lưu loát, đúng chuẩn.
Làm việc với các sinh viên trẻ, Hán Quang Tú cảm thấy không khí luôn sôi nổi và mình cũng như sống lại thời sinh viên. Tuy vậy, anh vẫn nhận thấy, điều khó khăn là các bạn mới bước chân vào môi trường nghệ thuật nên mọi thứ còn rất mới mẻ, bỡ ngỡ. "Môi trường tập luyện khắc nghiệt nên các em cũng dễ mệt mỏi, tủi thân. Nếu góp ý không đúng các bạn sinh viên rất dễ chán nản. Lúc đó, mình vừa phải dạy, vừa phải dỗ. Làm việc với người trẻ thì cũng phải giữ tư duy, tinh thần trẻ hóa".
Hiện song song với công tác giảng dạy, Hán Quang Tú vừa hoàn thành nốt chương trình Cao học chuyên ngành Nghệ thuật Sân khấu, vừa theo trợ giảng các thầy trong trường những môn chuyên ngành để nâng cao nghiệp vụ và hoàn thiện bản thân. Đổi lại những hào quang dưới ánh đèn sân khấu, thầy giáo Quang Tú nhận về những niềm vui bình dị và lớn lao không kém. Đó là sự tin tưởng, trân trọng, yêu mến của các bạn sinh viên, là thành công của những học trò mà mình từng dìu dắt.
Anh xúc động kể: "Dù mới về công tác tại trường được 6 năm nhưng có 2 khóa do tôi giảng dạy đã ra trường. Nhiều em giờ thành diễn viên, tham gia nhiều dự án phim và có tiếng vang nhất định. Thỉnh thoảng bật TV nhìn thấy những học trò cũ là tôi vui lắm. Đào tạo những gương mặt trẻ tiếp nối sự nghiệp điện ảnh là niềm vui, hạnh phúc và vinh dự của tôi cũng như các giảng viên nghệ thuật của nước nhà".
Một số hình ảnh của "cựu đặc nhiệm nhà C21" - thầy giáo Hán Quang Tú trong giờ học:
Chàng “Quang sọt” của Đội đặc nhiệm nhà C21 ngày nào nay đã trở thành giảng viên môn Tiếng nói của trường Đại học Sân khấu điện ảnh.
Mỗi buổi học bắt đầu bằng màn khởi động.
Vừa khởi động tay chân, vừa khởi động giọng nói.
Thầy Tú cho cả lớp ngửa dần người ra phía sau và tập nói bảng chữ cái.
Theo thầy Hán Quang Tú thì giọng nói (thanh) chính là điều đầu tiên và quan trọng nhất đối với một nghệ sĩ nói chung và một diễn viên nói riêng.
Môn tiếng nói sẽ khắc phục những hạn chế về nói ngọng, tiếng địa phương và giúp các bạn sinh viên có thể nói tốt trong mọi trường hợp.
Môn học có rất nhiều bài tập khác nhau.
Các bạn sinh viên phải rèn luyện giọng nói trong nhiều tư thế khó. Các bạn vừa bế, cõng, nhảy vừa phải đọc lưu loát các bài thơ.
Trong mỗi buổi học, thầy luôn theo sát và uốn nắn cho từng sinh viên một.
Hướng dẫn tư thế để các sinh viên tránh chấn thương trong tập luyện.
Kiên Anh, sinh viên lớp 34A cho biết: "Thầy rất vui tính và tận tình với sinh viên, cứ đi học môn Tiếng nói của thầy là vui không chịu được".
Suốt cả buổi học, không khí diễn ra rất vui vẻ. Tuy nhiên, thầy Tú cho biết: "Các em sinh viên năm nhất còn rất trẻ con nên đôi khi quậy quá mức. Mình phải kết hợp cả dạy, cả dỗ, đôi khi phải nghiêm khắc mới mới giữ được trật tự".
Nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, cả lớp đã cùng nhau tặng thầy một món quà. Giá trị tuy không quá lớn nhưng thể thiện sự yêu mến của cả tập thể với người thầy trẻ tuổi, vui tính và hết mực tận tâm.
Thầy Hán Quang Tú vui vẻ chụp ảnh kỉ niệm với cả lớp.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.