Xác định được giá đất sẽ hạn chế tham nhũng

-Thứ ba, ngày 18/09/2012 15:22 GMT+7

Đây là ý kiến của hầu hết các Ủy viên UBTVQH khi thảo luận về Dự án Luật đất đai (sửa đổi) tại phiên họp ngày 17/9.

Dự án Luật đất đai (sửa đổi) có 14 chương, 190 điều, so với Luật hiện hành thì có 21 điều giữ nguyên, 101 điều sửa đổi, 68 điều bổ sung mới. Một điểm mới trong dự án luật là việc "định giá đất". Theo đó, "giá đất do Nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường" thay cho nguyên tắc "sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường" để thuận lợi hơn cho việc triển khai công tác định giá đất.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi khi nào hình thành giá thị trường?: Các đồng chí đưa nguyên tắc giá đất phù hợp với giá thị trường, định giá là phù hợp với giá thị trường, đã gọi là kinh tế thị trường thì các đồng chí biết là khi nào nó hình thành mới có, nhưng định giá mà mình lại theo thị trường thì thị trường nào. Thị trường lúc định giá hay thị trường lúc thu hồi, thị trường tính trên quy hoạch sử dụng đất hay trên quy hoạch xây dựng, quy hoạch dự án thì thị trường rất khác nhau, hay thị trường lúc đấu giá thì đã có giá thị trường đâu mà mình tính.

Có đại biểu cho rằng, Luật Đất đai quy định giá đất của Nhà nước phải phù hợp với thị trường, nhưng trên thực tế, khung giá đất của Chính phủ và bảng giá đất của UBND cấp tỉnh đều thấp hơn nhiều so với thị trường. Chính vì giá đất luôn chênh lệch lớn giữa Nhà nước với thị trường đã tạo nên nguy cơ tham nhũng trong quản lý đất đai và khiếu kiện của dân có liên quan tới thu hồi đất ngày càng tăng.

Bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban công tác đại biểu của Quốc hội: Trong nhiều trường hợp chúng ta thấy người thiệt thòi là nông dân, hiện nay đang có quyền sử dụng đất, nên dẫn đến nhân dân có nhiều bất bình trong chuyện giữa giá thu hồi đất với giá đất do Nhà nước bồi thường và giá đất của nhà đầu tư sau khi thu hồi đất lại bán với giá rất cao, mà chi phí bỏ ra của nhà đầu tư không lớn, chi phí của người dân mới là lớn, đất của nông dân sử dụng rất lâu năm, kể cả hàng trăm năm, bồi đắp, xây dựng, khai hoang, phục hóa ra đất để trồng lúa, để sử dụng đất thì được bồi thường với giá rất thấp. Đây là một vấn đề có thể đang tạo những mâu thuẫn lớn nếu không giải quyết được, dự án luật chưa thể trả lời được những việc đang khó khăn, bức xúc diễn ra thường ngày, chúng ta cần đặt ra vấn đề, cần phải nghiên cứu kỹ hơn, có quy định chặt chẽ hơn.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội: Các đồng chí nói là điểm nút cần tháo gỡ chính là vấn đề giá đất như thế nào cho hợp lý. Ở đây chúng ta phải nhìn lại từ luật hiện hành đưa ra những quy định đã là những nguyên tắc, thứ nhất là phải sát với giá thị trường, thứ hai là trong điều kiện bình thường, như vậy là đã có nguyên tắc của nó. Nhưng lần này chúng ta lại đưa ra nguyên tắc rộng hơn là phù hợp thì không biết thế nào là phù hợp, nó rất rộng. Vậy, chúng ta sẽ đưa ra nguyên tắc nào để nó phù hợp, chính hiện nay đang tranh cãi nhau là sự không phù hợp, tính không hợp lý. Bây giờ chúng ta đưa ra thế này tôi e rằng không những không giải quyết được câu chuyện đặt ra hiện nay đang có sự tranh chấp, mà có thể dẫn tới những vấn đề chúng ta tranh cãi nhiều hơn.

Một số nội dung khác trong dự thảo Luật về Thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại ngân hàng ở nước ngoài để vay vốn; vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc cũng được nhiều ý kiến tập trung thảo luận tại phiên họp. Đây cũng chính là những vấn đề hiện đang được lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và đông đảo nhân dân và cử tri cả nước đóng góp cho dự án Luật.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước