Vụ sai phạm của 8 lãnh đạo lương "khủng": Đâu là bản chất?

Kim Dung-Thứ năm, ngày 19/09/2013 13:06 GMT+7

 Việc lãnh đạo TP.HCM chủ động thanh tra, công bố và xử lý nhanh đối với sai phạm của các công ty công ích vừa qua được nhân dân đồng tình. Tuy nhiên sự việc vẫn chưa dừng tại đây, khi dư luận đặt câu hỏi: đâu là bản chất?

Chỉ sau nửa tháng sau khi UBND TP.HCM công bố kết luận thanh tra việc sai phạm lao động và tiền lương tại 4 công ty lao động công ích, đến nay các cơ quan chức năng đã ra quyết định cắt chức 8 lãnh đạo của các công ty này. Việc lãnh đạo TP.HCM chủ động thanh tra, chủ động công bố và chủ động xử lý nhanh đối với sai phạm của cán bộ cấp dưới, được nhân dân đồng tình. Tuy nhiên sự việc vẫn chưa dừng tại đây, khi dư luận đặt câu hỏi liệu đâu là bản chất dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng và khá giống nhau tại các công ty công ích trong thời gian dài mà không bị ai phát hiện.

Hiện trên các quận, huyện trên cả nước đều có công ty công ích, vậy cần có biện pháp gì để sửa đổi kịp thời và khắc phục những sai sót nhằm quản lý các công ty công ích tốt hơn, tránh thấp thoát ngân sách Nhà nước?

‘ Ảnh: VTV News

Một trong các sai phạm lớn, khá giống nhau tại các công ty công ích là khai khống số lượng lao động. Chẳng hạn, tại công ty Chiếu sáng công cộng, năm 2012, số người chênh lệch giữa báo cáo và thực tế là 151 người. Tương tự công ty Công viên cây xanh có số người chênh lệch giữa báo cáo và thực tế là 183 người. Chỉ tính bình quân, lương mỗi người lao động là 6 triệu đồng/tháng thì cán bộ quản lý một công ty bỏ túi khoảng 1 tỷ đồng mỗi tháng.

Ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND TP. HCM nói: “Chẳng hạn, với một công việc trước đây cần 10 người làm, công lao động sẽ rất cao. Hiện giờ với việc áp dụng công nghệ mới kỹ thuật mới, cũng công việc đó chỉ cần 2 người làm, cùng máy móc thiết bị tiên tiến sẽ giảm được giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn áp dụng bộ định mức cũ, trong khi thực tế tiền bỏ ra và công sức bỏ ra ít hơn nhiều”.

Không chỉ trục lợi bằng việc kê khống số lao động và công lao động, điểm sơ hở này còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể kê khống giá vật tư. Đơn cử định ngạch quy định trong 1 năm có thể thay bóng đèn tín hiệu giao thông là 2 lần. Tuy nhiên công nghệ mới đã tăng tuổi thọ bóng đèn nên 1 năm chỉ cần thay 1 lần. Nhưng các đơn vị công ích ung dung kê thay 2 lần và được hưởng lợi do không tốn thêm tiền mua và chi phí nhân công lắp đặt. Tương tự trong định mức chưa áp dụng thiết bị làm cống bằng thọc lòng, nhưng tại TP.HCM các công ty áp dụng công nghệ này và tiết kiệm nhân công từ 20-30% so với định mức cũ. Đương nhiên phần tiết kiệm được này chảy vào túi riêng chứ không phải tiết kiệm cho ngân sách.

Theo một số chuyên gia ngành Giao thông vận tải, sơ hở của bộ định mức chưa phải là bản chất dẫn đến sai phạm. Vì bộ định mức chỉ là phần khung, còn các địa phương phải xây dựng dự toán theo điều kiện thực tế. Việc dễ dãi của chủ đầu tư mà cụ thể là các khu quản lý giao thông đô thị TP.HCM đã đặt hàng các công ty công ích nhưng buông lỏng giám sát mới là mấu chốt dẫn đến sai phạm.

Chỉ trong năm 2012 ngân sách thành phố cấp vốn duy tu hạ tầng giao thông trong lĩnh vực công ích là gần 2.400 tỷ đồng. Tăng gấp 10 lần so với 10 năm trước đây, nhưng đường vẫn hư, cống vẫn ngập, nghĩa là thành phố đang bỏ tiền ra mua một sản phẩm có giá quá cao so với giá trị thực tế.

Hiện nay, cơ quan chức năng đang thu hồi khoảng 8 tỷ đồng tiền lương của các viên chức quản lý của 4 công ty công ích được xác định là sai phạm về tiền lương, tiền công. Nhưng còn số tiền chênh lệch của việc cố tình áp dụng bộ định mức không phù hợp thực tế làm đội giá thành sản phẩm và lợi nhuận từ việc chênh lệch này chưa ai thống kê và có phương án xử lý. Theo nhận định của các chuyên gia, phần này mới gây thất thoát lớn và đang là vấn đề trọng tâm trong việc làm minh bạch hoạt động công ích.

Mời quý vị và các bạn theo dõi VIDEO chi tiết:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước