Trung tá Mạc Đức Trọng, một trong hai sĩ quan đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam đi làm nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình quốc tế. Ảnh: VnExpress
Các chuyên gia đến từ các nước ASEAN và Hàn Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm của các nước khi xây dựng khung pháp lý điều chỉnh việc tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Chẳng hạn với Hàn Quốc, hệ thống luật pháp của nước này quy định: Quốc hội có quyền phê duyệt triển khai lực lượng vũ trang ở nước ngoài. Trong khi ở Philippines và Indonesia thì Tổng thống quyết định việc triển khai phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc…
Những kinh nghiệm này sẽ giúp Việt Nam có thể tham khảo khi hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc cũng như xây dựng các văn bản pháp lý, quy định về chính sách tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho sự tham gia của Việt Nam vào tổ chức này.
Hiện Việt Nam đã cử 2 sĩ quan liên lạc tham gia Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan, chính thức trở thành thành viên thứ 123 của Liên Hợp Quốc cử người tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình. Để chuẩn bị lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, gần 200 cán bộ công binh và quân y của Việt Nam đã được cử ra nước ngoài đào tạo tiếng Anh, kiến thức và quy trình cần thiết.