Cập nhật số liệu Phát triển con người và Nghèo đa chiều cho thấy Việt Nam tiếp tục tiến bộ đồng thời chỉ ra những thách thức trong việc giảm chênh lệch giữa các vùng miền và nhóm dân cư; khoảng cách về giới; và phát thải cacrbon dioxide
"Việt Nam đang có nhiều tiến bộ về Phát triển con người và Giảm nghèo đa chiều, nhưng vẫn còn những thách thức trong việc giảm bớt chênh lệch giữa các vùng miền và nhóm dân cư, thu hẹp khoảng cách giới, cũng như giải quyết các vấn đề môi trường liên quan đến phát thải carbon dioxide và đa dạng sinh học" - đây là thông điệp được Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) đưa ra ngày 17/10 khi chia sẻ Cập nhật số liệu thống kê của Việt Nam năm 2018 về Các chỉ số Phát triển Con người (do Văn phòng Báo cáo Phát triển con người của UNDP công bố ngày 14/9/2018) và Số liệu thống kê Nghèo đa chiều Toàn cầu (do UNDP và Sáng kiến Nghèo đói và Phát triển Con người Oxford, thuộc trường Đại học Oxford, công bố ngày 20/9/2018) và so sánh quốc tế.
Các chuyên gia của UNDP chia sẻ số liệu và phân tích sâu tình hình và xu thế phát triển con người và nghèo đa chiều ở Việt Nam, so sánh với một số nước.
Chủ đề của ngày Quốc tế Xóa đói Giảm nghèo (17/10) năm nay là: "Đồng hành cùng những người nghèo nhất để xây dựng một thế giới nơi quyền và nhân phẩm của tất cả mọi người được tôn trọng".
Trong thông điệp nhân ngày Quốc tế Xóa đói Giảm nghèo, ông Achim Steiner, Tổng giám đốc UNDP, nhấn mạnh: "1,3 tỉ người vẫn đang sống trong nghèo đa chiều. Họ không chỉ nghèo về thu nhập mà còn thiếu thốn về y tế, giáo dục và mức sống và họ rất dễ bị bỏ lại phía sau khi bị ốm đau, mất việc hoặc thiên tai. Chủ đề Ngày Quốc tế Xóa đói Giảm nghèo năm nay nhắc nhở chúng ta việc đảm bảo tiếp cận những nhu cầu cơ bản như nước, thực phẩm, nơi ở hoặc sự an toàn là tôn trọng quyền và nhân phẩm của hàng triệu người".
Bà Caitlin Wiesen - Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam
Bà Caitlin Wiesen - Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam cho hay: "Chủ đề Ngày Quốc tế Xóa đói Giảm nghèo năm 2018 về mối quan hệ rõ giữa giải quyết tình trạng nghèo cùng cực và quyền con người đòi hỏi chúng ta phải vượt ra khỏi việc giảm nghèo thu nhập và tập trung vào nhân phẩm, năng lực và lựa chọn của những người nghèo nhất. Và đây chính là lý do vì sao nghèo đa chiều tạo ra sự thay đổi."
"Việt Nam có thể tự hào về tiến bộ đạt được trong giảm nghèo đa chiều, giúp 6 triệu người thoát nghèo trong 4 năm, từ năm 2012 đến năm 2016, theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Thách thức đặt ra là cần giải quyết tình trạng nghèo thâm căn cố đế, tập trung ở các nhóm dân tộc thiểu số sinh sống trong các vùng địa lý khó khăn," bà Wiesen cho biết thêm.
Tiến bộ ấn tượng trong phát triển con người và giảm nghèo đa chiều
Chỉ số Phát triển con người của Việt Nam thuộc nhóm Trung bình cao. Với chỉ số 0,694 trong năm 2017, Việt Nam đứng thứ 116 trong tổng số 189 nước (cùng xếp hạng năm 2016). Việt Nam chỉ cần đạt thêm 0,006 điểm để nâng hạng lên mức Phát triển Con người Cao.
Trong chỉ số Phát triển Con người, Việt Nam thực hiện tốt trong lĩnh vực Y tế và Giáo dục nhưng tăng trưởng chậm về Thu nhập. Tuổi thọ kỳ vọng của Việt Nam là 76,5 năm, đứng thứ hai ở Khu vực châu Á và Thái Bình Dương, sau Hàn Quốc. Số năm đi học trung bình của Việt Nam là 8,2 – cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Theo UNDP, Chỉ số Phát triển con người của Việt Nam thuộc nhóm Trung bình cao.
Số liệu thống kê nghèo đa chiều toàn cầu năm 2018 cho thấy những tiến bộ quan trọng trong việc đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 1 về giảm nghèo. Chỉ số Nghèo đa chiều của Việt Nam là 0,0197 và đứng thứ 31 trong tổng số 105 nước. Tỉ lệ nghèo đa chiều của Việt Nam là 5%, cao hơn hầu hết các nước trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, chỉ sau Thái Lan (0,79%) và Trung Quốc (4,02%).
"Với chỉ số Phát triển Con người tăng 1,41% từ năm 1990, Việt Nam chỉ còn 4 bậc để vào nhóm các nước có mức Phát triển Con người Cao. Nếu tăng cường nỗ lực giảm chênh lệch giữa các vùng miền và nhóm dân cư, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ sớm vào nhóm các nước có Mức Phát triển Con người Cao" - Giám đốc quốc gia của UNDP kỳ vọng.
Vẫn còn những thách thức trong việc đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau
Tiến bộ trong Phát triển con người ở Việt Nam đi kèm với mức tăng khá thấp về bất bình đẳng so với các nước trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Chỉ số bất bình đẳng điều chỉnh theo phát triển con người (IHDI) tương đương với 17,3% giảm giá trị trong chỉ số HDI do bất bình đẳng – thấp hơn tỉ lệ trung bình của nhóm các nước có mức Phát triển Con người Trung Bình (25,1%) nhưng cao hơn tỉ lệ trung bình của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (15,6%).
Đây là mức trung bình toàn quốc, còn có sự chênh lệch giữa các vùng miền và các nhóm dân cư. Báo cáo Phát triển con người của Việt Nam năm 2015 chỉ ra khoảng cách lớn về HDI giữa các tỉnh và thành phố. Ví dụ, TP HCM và Đà Nẵng có HDI tương đương với các nước thuộc nhóm Phát triển con người Cao như Ba Lan và Croatia, trong khi Hà Giang và Gia Lai có HDI bằng với các nước thuộc nhóm Phát triển con người thấp như Ghana và Guatemala.
Tiến bộ trong Phát triển con người ở Việt Nam đi kèm với mức tăng khá thấp về bất bình đẳng so với các nước trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương.
Về Chỉ số Bất bình đẳng giới (GII), Việt Nam đứng thứ 67 trong tổng số 160 nước, với GII là 0,304, gần với mức trung bình của các nước trong nhóm Phát triển Con người Cao (0,289). Việt Nam cần thu hẹp khoảng cách trong về giáo dục, trong đó có sự khác biệt 11,5% giữa phụ nữ và nam giới trong cấp trung học. Cùng với việc tăng tỉ lệ nữ tốt nghiệp đại học các ngành khoa học, toán, cơ khí và xây dựng (hiện tại là 15,4%), Việt Nam sẽ có thể tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Mặc dù có nhiều tiến bộ trong giảm nghèo đa chiều ở cấp quốc gia, vẫn còn chênh lệch lớn giữa các vùng miền và các nhóm dân cư. Tỉ lệ nghèo đa chiều là 2,1% ở khu vực đo thị trong khi tỉ lệ ở khu vực nông thôn là 6,45%. Tỉ lệ nghèo đa chiều cao nhất ở vùng núi phía Bắc và đồng bằng sông Mekong (9,6%), sau đó là Tây nguyên (9,4%). Số liệu nghèo đa chiều của trong nước cho thấy chênh lệch rõ rệt giữa các nhóm dân cư. Tỉ lệ của người Kinh là 6,4% so với 76,2% của người Mông, 37,5% người Dao và 24% của người Khmer.
Cập nhật số liệu HDI năm 2018 cũng cung cấp cho các nước số liệu về các lĩnh vực rừng bao phủ, phát thải carbon dioxide và các tỉ lệ tử vong liên quan và đa dạng sinh học. Việt Nam xếp thứ 7 trong tổng số 181 về rừng bao phủ, nhưng xếp trong nhóm thấp nhất về phát thải carbon dioxide (80 trên 189 nước) và Chỉ số danh sách đỏ (165 trên tổng số 189 nước). Đây là những lĩnh vực cần ưu tiên giải quyết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!