Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019, nhiều thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, báo cáo này đã khá toàn diện, đánh giá đầy đủ các lĩnh vực. Một số ý kiến bày tỏ ấn tượng với công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, việc quyết liệt chống tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính, giúp giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số thành viên cũng chỉ ra các hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư công, gây ảnh hưởng tới việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Một số ý kiến cũng cho rằng báo cáo cần chi tiết hơn, đặc biệt về mặt số liệu để thể hiện rõ hơn kết quả của việc thực hành tiết kiệm.
Đồng tình với báo cáo, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng báo cáo cần đề cập rõ hơn về thực hành tiết kiệm trong sản xuất kinh doanh. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ thực hiện đối với Ngân sách Nhà nước, mà còn trong cả việc sử dụng nguồn lực xã hội; đồng thời cho rằng nguồn lực này cũng cần được tiết kiệm trong bối cảnh hiện nay.
Thảo luận về dự án Luật Cư trú sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Bộ Công an trong việc hoàn thiện dự án luật trong thời gian ngắn, nhất trí việc thay thế quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu sang mã số định danh cá nhân. Các ý kiến cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú và việc cấp mã số định danh cá nhân khi hiện tại mới chỉ cấp được 16 triệu mã số.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, tuy nhiên cần rà soát, lấy ý kiến, đánh giá tác động, để thống nhất với các quy định trong Luật Thủ đô. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự án luật để trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 và nếu đảm bảo chất lượng sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 10.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!