Những ngày này, nhiều nghệ nhân ở xã Bình Triều (Quảng Nam) khẩn trương làm những bàn cộ để chuẩn bị cho Lễ rước cộ bà Chợ Được. Tiết kiệm lắm mỗi bàn cộ cũng tiêu tốn không dưới 50 triệu đồng. Lễ rước cộ đã được xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, song 3 năm một lần, người dân mới tổ chức lễ hội quy mô lớn. Theo Ban tổ chức lễ hội, dù tổ chức lễ hội lớn hay nhỏ phần lễ vẫn trang nghiêm và phần hội vẫn vui vẻ.
Cũng theo Ban tổ chức, nếu chỉ tổ chức Lễ hội bà Chợ Được mà không tổ chức lễ rước cộ, dân làng sẽ tiết giảm được gần 500 triệu đồng. Phần lớn nguồn kinh phí do người dân đóng góp. Lễ hội là không gian văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng, là nơi để người dân ngưỡng vọng các bậc tiền nhân và ước vọng cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội này không có bóng dáng của nạn mê tín dị đoan. Theo chính quyền và người dân sở tại, Lễ hội bà Bà Chợ Được không bị biến tướng dẫu cuộc sống có quá nhiều sự đổi thay.
Lễ hội đầu Xuân thường là nét đẹp văn hóa của mỗi vùng đất. Song trên thực tế, do thiếu kiểm soát của Ban tổ chức và sự thiếu hiểu biết của người đi lễ hội đã làm cho bức tranh lễ hội méo mó và phản cảm. Chấn chỉnh, ngăn chặn sự biến tướng trong lễ hội đầu Xuân là nỗ lực mà Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và chính quyền các địa phương đã và đang làm. Đến khi nào người dân thật sự là chủ thể, chủ nhân của lễ hội, khi ấy vấn nạn của sự biến tướng mới không có đất để ký sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!