Từ nguồn tin của người dân về tình trạng phá rừng giáp ranh giữa hai huyện Tây Hòa và Sông Hinh, ngày 6/5, phóng viên cùng với lực lượng Kiểm lâm đã đến khu vực rừng đang bị tàn phá. Từ khu vực lòng hồ thủy điện Sông Hinh (huyện Sông Hinh), chúng tôi vượt 5 km đường rừng, men theo các con suối vào trong khu vực lâm tặc mở đường để phá rừng.
Được biết, khu vực rừng bị đốn hạ là rừng có chức năng phòng hộ do Hạt Kiểm lâm huyện Tây Hòa, Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh phối hợp với Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Tây Hòa, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Sông Hinh quản lý, bảo vệ.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh cho biết: Lực lượng bảo vệ rừng tuần tra đã phát hiện rừng đã bị lâm tặc đốn hạ cách đây khoảng 1 tháng. Những gốc cây rừng bị đốn chặt mới nhất cách đây hơn 1 tuần. Sau khi bị phát hiện, lâm tặc đã phá bỏ các lán trại dựng lên trước đó sát các con suối để sinh hoạt trong rừng. Đây là khu vực rừng giáp ranh nên mỗi khi thực hiện tuần tra, các đơn vị phải thông báo cho nhau. Nhận được nguồn tin của quần chúng nhân dân, lực lượng của 4 đơn vị đã phối hợp tuần tra và phát hiện lâm tặc đã mở đường để vào rừng. Dọc đường vào rừng, cây nào lớn, lâm tặc đốn hạ, vận chuyển gỗ ra ngoài. Nếu không phát hiện kịp thời, quy mô phá rừng sẽ còn lớn hơn. Lâm tặc mở nhiều đường vào từ các địa phương khác nhau, do vậy, lực lượng kiểm lâm rất khó phát hiện đâu là hướng đi chính. Từ khi phát hiện vụ việc lâm tặc mở đường phá rừng, mỗi tuần có 3 ngày, lực lượng bảo vệ rừng có mặt ở khu vực này nên các đối tượng đã tẩu thoát ra khỏi rừng.
Theo quan sát của phóng viên, giữa rừng sâu, lâm tặc đã mở một con đường rộng khoảng 1m và nhiều đường nhánh vào các khu vực trong rừng. Chúng chọn những cây rừng to để chặt phá dọc các con đường này, mặt đường còn chằng chịt dấu vết còn rất mới của xe và dấu chân người đi lại. Loại cây bị đốn hạ chủ yếu là cây giẻ (gỗ nhóm 3) có đường kính 30-40 cm và các cây trâm, cây da (gỗ nhóm 5) có đường kính 50-60 cm. Cây khi bị chặt hạ lâm tặc xẻ ván tại chỗ để vận chuyển ra ngoài, có những cây đường kính lớn bằng cả vòng tay người ôm nhưng rỗng bên trong bị lâm tặc cưa hạ rồi bỏ lại trong rừng.
Hiện nay, các đơn vị chức năng của huyện Tây Hòa và Sông Hinh đang tiến hành đo đếm số lượng cây rừng bị chặt hạ, chiều dài con đường sâu bên trong rừng mà lâm tặc đã mở; phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra các đối tượng mở đường để vào phá rừng và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Một số hình ảnh ghi nhận:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!