Yêu thương đồng loại là một trong những đặc tính nổi bật của con người. Đặc tính này giúp chúng ta biết chia sẻ và cảm thông với nỗi đau của người khác. Tuy nhiên mới đây, các nhà khoa học Italy đã tiến hành một thí nghiệm cho thấy, tâm lý phân biệt chủng tộc có thể làm lu mờ đặc tính ưu việt này. Các nhà khoa học cũng chứng minh rằng, sự phân biệt chủng tộc xuất phát từ giáo dục và môi trường văn hóa, chứ không phải là đặc tính cố hữu của con người.
Các nhà khoa học tại trường Đại học Cesena và Bologna (Italy) đã tiến hành 1 thí nghiệm đối với 40 tình nguyện viên da đen và da trắng đến từ châu Phi và Italy. Họ cho các tình nguyện viên xem những đoạn băng ghi lại cảnh bàn tay bị đâm bằng kim tiêm hoặc que cứng, sau đó ghi lại số nơron bị kích thích trong não của các tình nguyện viên. Sự thông cảm càng mạnh, số nơron bị kích thích càng nhiều. Kết quả cho thấy, sự thông cảm ít hơn giữa những người không cùng màu da.
Trong phần tiếp theo của thí nghiệm, các nhà khoa học đổi màu da bàn tay của những người bị kim đâm thành màu tím, ngay lập tức, phản ứng cảm thông của các tình nguyện viên tăng lên rõ rệt.
Giáo sư Alessio Avenanti, Trường Đại học Bologna: “Chúng tôi đã lặp lại thí nghiệm này nhưng với màu da được thay đổi, và chúng tôi thấy rằng, trong tình huống này, phản ứng của cùng những người tham gia thí nghiệm tăng đột biến. Thí nghiệm này cho thấy, không phải sự khác biệt màu da khiến chúng ta ít cảm thông hơn với nhau, mà điều đó xuất phát từ môi trường văn hóa. Văn hóa của người da trắng không dạy chúng ta phản ứng tiêu cực với người da tím, nên chúng ta cũng chia sẻ được nỗi đau đớn của họ”.
Các nhà khoa học trường Đại học Cesena rút ra kết luận rằng, chính giáo dục và văn hóa đã dẫn đến tâm lý phân biệt chủng tộc và phân biệt chủng tộc không phải là 1 thuộc tính cố hữu. Kết luận này có thể giúp dẫn đến những phương pháp mới giúp giảm thiểu tình trạng phân biệt chủng tộc.