Đóng cửa 52 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm; xử phạt vi phạm hành chính 1.251 cơ sở với số tiền hơn 4,8 tỉ đồng; tiêu hủy sản phẩm của 133 cơ sở trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 là kết quả cho thấy các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã mạnh tay xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm.
Nhờ tăng cường kiểm tra, xử lý cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nên công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố đã chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, vấn đề an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều bất cập.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội cho biết, hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm và công tác thanh kiểm tra trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm đã được đẩy mạnh. Tuy nhiên, một bộ phận chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm còn chưa có ý thức về sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế, hiện nay, bộ máy quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm nông nghiệp cấp quận, huyện, xã, phường chưa được hoàn thiện, thiếu cán bộ chuyên trách, cán bộ có chuyên môn phù hợp và thường xuyên thay đổi. Kinh phí triển khai công tác an toàn thực phẩm tại cấp quận, huyện, xã, phường còn gặp nhiều khó khăn. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đa số có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, phân phối qua nhiều khâu trung gian…
Để tăng cường xử lý vi phạm an toàn thực phẩm, Hà Nội đang chuẩn bị triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm bắt đầu từ ngày 10/7/2019 đến 10/7/2020 tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, lực lượng được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tuyến xã, phường, thị trấn khoảng 3.340 người, trong đó tuyến quận, huyện khoảng 210 người và 3.130 người tuyến xã, phường.
Tính đến ngày 12/6, thành phố đã tổ chức 32 lớp đào tạo cho 2.676 cán bộ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm. "Do số lượng công chức, viên chức đủ điều kiện giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở tuyến xã ít, phải đảm nhiệm nhiều công việc nên việc cử công chức, viên chức cấp xã đi đào tạo, tập huấn gặp nhiều khó khăn", ông Trần Văn Chung cho biết.
Liên ngành thanh tra sẽ tăng cường thanh kiểm tra, hậu kiểm, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phối hợp với các cấp chính quyền trong việc thu hẹp tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, sản xuất, kinh doanh không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Sở Y tế và các ngành liên quan cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thuộc Công an thành phố, quản lý thị trường, phát hiện, điều tra, thanh tra đột xuất, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu, tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi ngoài danh mục được phép sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!