Theo đánh giá của ngành xây dựng các tỉnh, thành phía Nam, hiện công tác quản lý chất lượng xây dựng, quản lý
đô thị đang đối mặt với nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát nhà thầu xây dựng của một số địa phương còn hạn chế dẫn đến chất lượng nhiều công trình không đạt yêu cầu.
Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: "Vấn đề mấu chốt là làm sao để các nhà thầu xây dựng phải có trách nhiệm, phải đảm bảo công trình làm là có chất lượng. Còn vai trò Nhà nước, chính quyền địa phương thì phải tăng cường kiểm tra chất lượng công trình và xử lý, chấn chỉnh kịp thời các trường hợp vi phạm".
Về thị trường
bất động sản, để có thể vực dậy lĩnh vực này, đi đôi với việc đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, theo nhiều đại biểu, các Bộ, ngành liên quan cần sớm có những điều chỉnh lãi suất cho vay, thời gian thu hồi vốn và giá thành sản phẩm để người thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận.
Ông Nguyễn Tấn Dược, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ cho rằng: "Gói 30.000 tỷ cho vay và thời hạn trả là 10 năm, theo tôi với thu nhập của người có thu nhập thấp rất khó đáp ứng nên kéo dài 15 năm. Thêm vào đó, diện tích nhà ở cần giảm xuống để người dân có thể mua với khả năng của họ".
Cũng tại hội nghị, vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu là việc thực hiện các công trình xanh, các dự án xây dựng đô thị chống ngập úng, thích ứng
biến đổi khí hậu của các tỉnh, thành ĐBSCL còn rất thấp. Hiện toàn vùng chỉ có 3 tỉnh, thành là: Cần Thơ, Kiên Giang và Cà Mau được hỗ trợ triển khai các dự án nói trên.
Năm 2014, Bộ Xây dựng đề ra mục tiêu tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%, giá trị sản xuất xây dựng toàn ngành đạt trên 831.000 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2013. Đặc biệt, giảm dần và tiến tới xóa bỏ tình trạng công trình không đảm bảo chất lượng. Do đó, sớm tìm ra các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn nói trên sẽ giúp ngành xây dựng các địa phương hoàn thành tốt các mục tiêu trong thời gian tới.