Đây là hội nghị cấp cao đầu tiên được tổ chức trong nhiệm kỳ luân phiên Chủ tịch ASEAN 2019 của Thái Lan. Chủ đề của năm nay là "Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì sự bền vững".
Tại hội nghị này, Thái Lan đề xuất 3 định hướng cụ thể. Thứ nhất, xây dựng một nền an ninh bền vững trên cơ sở tiếp tục khẳng định những nguyên tắc cơ bản của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN và ý nghĩa và tầm quan trọng của tài liệu Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà ASEAN thông qua cũng như nhu cầu hợp tác đối phó hiệu quả với các thách thức về an ninh, nhất là an ninh mạng và quản lý biên giới. Thứ hai, thúc đẩy xây dựng một ASEAN thông thoáng thông qua triển khai toàn diện Cơ chế một cửa ASEAN, thúc đẩy triển khai Sáng kiến Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN, cũng như xây dựng môi trường sinh thái số vì kinh tế số dự báo sẽ mang lại 1.000 tỷ USD cho ASEAN đến năm 2025. Thứ ba, nhấn mạnh phát triển bền vững, thúc đẩy sự tương hỗ giữa Tầm nhìn ASEAN 2025 với Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và hợp tác giải quyết các vấn đề như đánh bắt cá không hợp pháp.
Phát biểu khai mạc phiên họp toàn thể vào chiều tối 22/6, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha bày tỏ hy vọng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ xem lại tiến trình triển khai Cộng đồng ASEAN, trao đổi các quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu trong tương lai của ASEAN.
Vì vậy tại phiên họp này, Thủ tướng Thái Lan đề nghị các nhà lãnh đạo ASEAN trao đổi về các biện pháp để tăng cường xây dựng Cộng đồng ASEAN, mà đầu tiên cần dựa trên nền tảng của tinh thần đoàn kết, an ninh cho tương lai của Cộng đồng ASEAN với 640 triệu người dân. Bởi vì người dân chính là trái tim của Cộng đồng ASEAN và mục tiêu của tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng là vì cuộc sống của người dân và lấy người dân làm trung tâm, để họ không phải đối mặt với những tổn thương bởi những thách thức.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha - Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 nói: "Công dân ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có như biến đổi khí hậu, cạnh tranh thương mại, chênh lệch về sự phát triển giữa các nước, khoảng cách giàu nghèo, các mối nguy hại đến sự an toàn của con người, những thay đổi lớn đối với xã hội và kinh tế được tạo ra từ cuộc cách mạng lần thứ tư, sự tiến bộ của công nghệ. Đó chính là lý do ASEAN chúng ta phải tìm cách thích ứng, củng cố lòng tin của người dân cũng như trở thành đối tác hòa bình và phát triển trong một thế giới đang đầy biến động".
Trước các nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cũng nhấn mạnh tới việc ASEAN cần phải nhận rõ được sự không chắc chắn của hòa bình cũng như phát triển của thế giới và những vấn đề trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, nhất là khi ASEAN cùng lúc phải tìm ra con đường và phương thức để chuyển những thách thức này thành cơ hội.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha nêu rõ, Thái Lan giữ vai trò Chủ tịch ASEAN năm nay với chủ đề "Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì sự bền vững", hy vọng với chủ đề này Thái Lan sẽ đóng góp được vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN bằng việc giữ vững được giá trị của cộng đồng lấy người dân làm trung tâm, không ai bị bỏ lại phía sau và luôn hướng tới tương lai.
Với vai trò Chủ tịch kế nhiệm ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ và đánh giá cao chủ đề và những ưu tiên do Chủ tịch ASEAN 2019 Thái Lan đề xuất. Để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ASEAN trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN cần đặt ưu tiên hàng đầu tiếp tục củng cố đoàn kết, gắn kết nội khối, phát huy vai trò trung tâm và hiệu quả của các cơ chế khu vực do ASEAN chủ trì và dẫn dắt.
Trước những diễn biến phức tạp trong khu vực và căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, ASEAN cần đẩy mạnh liên kết kinh tế nội khối, tận dụng hiệu quả các cam kết và thoả thuận đã ký, sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực, tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng cho các doanh nghiệp và dòng vốn đầu tư trong khu vực, đồng thời kịp thời nâng cao năng lực và khả năng ứng phó với các cơ hội và thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị ASEAN tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, đồng thời đẩy mạnh cải cách thể chế và nâng cao hiệu quả bộ máy hoạt động.
Theo thông lệ các Hội nghị Cấp cao ASEAN đầu tiên trong mỗi năm được tổ chức vào cuối tháng 4 đầu tháng 5, nhưng năm nay do cuộc bầu cử ở Thái Lan nên hội nghị diễn ra vào thời điểm này. Sau phiên họp toàn thể chiều 22/6, sáng mai (23/6), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ tham dự lễ khai mạc chính thức hội nghị, sau đó các nhà lãnh đạo sẽ có phiên họp kín. Dự kiến các nhà lãnh đạo sẽ thông qua Tuyên bố Tầm nhìn Lãnh đạo ASEAN về Quan hệ đối tác vì sự bền vững; Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Tuyên bố Bangkok về chống rác thải biển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!