CTQH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: QĐND)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đồng thời là Chủ tịch Ủy Ban dự thảo Hiến pháp năm 1992 chủ trì buổi tọa đàm.
Phát biểu khai mạc, CTQH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, thiết chế bảo hiến là nội dung hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đây là lần đầu tiên, thiết chế này được đặt ra trong quá trình xây dựng Hiến pháp ở đất nước ta. Trong quá trình lấy ý kiến nhân dân góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau giữa các tầng lớp nhân dân, nhà khoa học và cả trên diễn đàn Quốc hội về chủ đề này.
Nhiều ý kiến đề xuất cần thành lập cơ chế Hội đồng Hiến pháp để bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp trong hệ thống pháp luật và bảo đảm để tất cả các chủ thể trong xã hội tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Hiến pháp. CTQH Nguyễn Sinh Hùng mong muốn qua buổi tọa đàm sẽ tập hợp ý kiến của các chuyên gia góp phần hoàn thiện thiết chế Hội đồng Hiến pháp trên cơ sở các luận cứ khoa học liên quan đến những vấn đề như sự cần thiết phải thành lập, cơ chế vận hành và hoạt động của Hội đồng...
CTQH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, trên thực tế, trong quá trình hình thành, xây dựng bộ máy và phát triển đất nước, cơ chế bảo hiến đã được hình thành trong thể chế Nhà nước ta. Vì vậy, một trong những yêu cầu sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này là phải thể chế hóa chủ trương của Đảng, ý chí và nguyện vọng của nhân dân trong việc xây dựng hoàn thiện cơ chế bảo hiến, qua đó đảm bảo nguyên tắc tất cả quyền lực của nhân dân, bảo vệ quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp.
Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, kết luận của buổi tọa đàm hôm nay sẽ là căn cứ khoa học để Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến.