Điều chuyển tại bến Mỹ Đình: Nhiều DN bức xúc

Thanh Minh - Đức Quang-Thứ sáu, ngày 05/07/2013 19:00 GMT+7

 Chiều 4/7, Sở GTVT Hà Nội đã họp với các doanh nghiệp vận tải hoạt động tại bến xe Mỹ Đình nhằm tìm giải pháp tốt nhất cho các đơn vị vận tải. Hầu hết đại diện Sở Giao thông các tỉnh đều kiến nghị, việc điều chuyển này cần có lộ trình.

Tại cuộc họp, Sở GTVT Hà Nội công bố, sẽ có 181 lượt xe/ngày thuộc các tuyến từ Mỹ Đình đi các tỉnh, thành phố Hòa Bình, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương và Hà Nam được điều chuyển về bến xe Yên Nghĩa, Nước Ngầm và Gia Lâm bắt đầu từ 21/7. Nhiều doanh nghiệp và các Sở GTVT các tỉnh đã đề nghị thay đổi hoặc hoãn việc điều chuyển này.

Ông Phạm Anh Quý, Phó Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình kiến nghị: “Tôi ủng hộ chủ trương sắp xếp luồng tuyến tại bến xe Mỹ Đình, tuy nhiên việc điều chuyển 118 chuyến/ngày tuyến Hòa Bình - Mỹ Đình là hết sức bất cập, bởi có nhiều doanh nghiệp tham gia ngay từ ngày đầu tại bến Mỹ Đình, nếu chuyển toàn bộ tất cả xe đi Hòa Bình sang bến xe Yên Nghĩa sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với nhu cầu đi lại của nhân dân. Mặt khác, tại bến Yên Nghĩa đã có 105 chuyến/ngày đi Hòa Bình, vì thế chúng tôi kiến nghị nên điều chuyển dần dần, phải có lộ trình…”.

Đại diện Sở GTVT Thanh Hóa, ông Vương Quốc Tuấn, Trưởng phòng quản lý vận tải khẳng định: “Riêng tuyến Mỹ Đình - Thanh Hóa hầu hết đi trên tuyến đường vành đai, đi lại dễ dàng, không gây ùn tắc, nếu như điều chuyển toàn bộ thế này sẽ gây khó khăn không ít cho các doanh nghiệp. Theo tôi nên cắt giảm tần suất hoạt động của các tuyến sẽ giảm được ùn tắc tại đây”.

‘ Cảnh ùn tắc, lộn xộn thường xuyên xảy ra tại bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Xã luận

Theo công ty TNHH dịch vụ vận tải Hoà Bình, một trong những đơn vị hoạt động từ ngày đầu tiên tại bến xe Mỹ Đình, họ đã đầu tư để hoạt động trên tuyến với tỷ lệ vay vốn ngân hàng chiếm trên 50% và xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, môi trường kinh doanh ổn định đến hết năm 2020. Tuy nhiên sau 8 năm hoạt động thì đột ngột phải chuyển đến bến xe Yên Nghĩa, nơi nguồn khách không ổn định thì sẽ gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Kiên Cường, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ vận tải Hoà Bình nói: “Sở GTVT nên có lộ trình, nếu có chuyển thì nên làm theo chu kỳ, vì nếu chuyển toàn bộ sẽ dẫn đến vỡ nợ...”.

Từ đầu tháng 6/2013, Sở GTVT Hà Nội có thông báo số 754 sắp xếp, điều chuyển một số luồng tuyến vận chuyển hành khách liên tỉnh tại các bến xe khách tại Hà Nội để giải quyết tình trạng bến xe Mỹ Đình quá tải và giao thông lộn xộn tại khu vực này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải đều cho rằng, việc sắp xếp gấp như vậy chưa thấu tình đạt lý, quan trọng hơn bến xe Mỹ Đình vẫn là mảnh đất “màu mỡ” đối với họ.

Sau hơn 1 tháng khi các lực lượng chức năng Hà Nội ra quân xử lý giải tỏa bến xe dù vốn đã tồn tại trong nhiều năm ở ngay sát phía sau bến xe Mỹ Đình, tình trạng lộn xộn đã giảm bớt. Việc chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh, sắp xếp lại luồng tuyến xe ra vào thành phố Hà Nội sẽ càng giúp giảm ùn tắc giao thông nội đô, tuy nhiên cách triển khai chủ trương này cũng cần được xem xét lộ trình cho phù hợp với thực trạng vận tải hành khách hiện nay.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước