Tại tỉnh Bình Định, các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần giảm ùn tắc giao thông, hạn chế được các vụ tai nạn xảy ra trên tuyến. Tuy nhiên, từ lúc tiến hành thu phí đã có những ý kiến trái chiều về mức phí dịch vụ cao trong khi chất lượng đường chưa tương xứng. Bên cạnh đó, vị trí giữa các trạm BOT là khá gần nhau (dưới 70km), gây khó khăn cho chủ phương tiện ở địa phương gần trạm.
Ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, cứ mỗi lần dùng xe tải dưới 4 tấn đi chở hàng, người dân lại mất ít nhất 100.000 đồng phí qua trạm BOT cho cả lượt đi và lượt về. Nguyên nhân là do nếu đi về hướng Tây chưa đến 10km là qua trạm BOT của Quốc lộ 19, nếu di chuyển xuống Quốc lộ 1 theo hướng Bắc chưa đến 30km sẽ có trạm BOT Nam Bình Định. Những ngày chạy xe không, phí qua trạm BOT thực sự là gánh nặng cho người dân ở đây.
Tỉnh Bình Định hiện có tới 3 trạm thu phí BOT đường bộ, trong đó hai trạm ở trên Quốc lộ 1 cách nhau 64km, khoảng cách từ trạm BOT Nam Bình Định đến trạm trên Quốc lộ 19 chỉ là 34km. Các khoảng cách này là không phù hợp với quy định của Bộ Tài chính. Trước hàng loạt kiến nghị của người dân, tỉnh Bình Định đã có văn bản kiến nghị giảm phí BOT cho các phương tiện giao thông tại địa phương.
Điểm bất cập trong việc thu phí BOT đã được Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Định và chủ đầu tư BOT nhìn nhận, thống nhất giải quyết theo hướng giảm giá cho các phương tiện ở địa phương gần trạm và giảm lộ trình tăng giá. Tuy nhiên, việc người dân có được giảm phí đường bộ hay không và giảm vào thời gian nào còn phải chờ quyết định của các Bộ, ngành Trung ương.
*Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TVOnline!