Trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, Chính phủ đã nhận thức được từ rất sớm vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Thủ tướng Chính phủ xây dựng và ban hành quyết định về Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia. Nhận thấy cần nguồn lực lớn cho chương trình, Bộ Khoa học và Công nghệ đã báo cáo và Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Cả Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đều nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ để nâng cao trình độ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, do hệ thống chính sách chưa đồng bộ, thiếu các quy định cụ thể, còn tồn tại những vướng mắc trong quá trình xây dựng Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Do đó, khi xây dựng luật khoa học công nghệ năm 2013, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa vào nội dung đã được Quốc hội ủng hộ là ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Quy định này của luật tạo điều kiện cho Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân, trong quá trình đổi mới công nghệ.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các văn bản hướng dẫn. Năm nay, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đã được bố trí kinh phí và sẽ đi vào hoạt động. Hiện nay, đã có hơn 200 doanh nghiệp nộp hồ sơ và Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiến hành các thủ tục xét duyệt để có thể sớm hỗ trợ cho những doanh nghiệp hàng đầu trong số hơn 200 doanh nghiệp này. Qua đó, những doanh nghiệp này có thể nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước để làm chủ công nghệ, nhập khẩu công nghệ và tạo ra những công nghệ mới từ chính doanh nghiệp của mình.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, các văn bản về công nghệ cao đã được ban hành rất đầy đủ. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về danh mục công nghệ cao và danh mục các sản phẩm công nghệ cao, trong đó bao gồm 2 bảng danh mục là: danh mục các công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục các công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 65 năm 2014 quy định cho danh mục các công nghệ cao được ưu tiên và khuyến khích trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng; Quyết định số 66 quy định cho danh mục các công nghệ cao được ưu tiên và khuyến khích trong mọi lĩnh vực ngoài an ninh, quốc phòng; gần đây nhất là Quyết định 19 về tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao.
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang có xu hướng phấn đấu để trở thành doanh nghiệp công nghệ cao bởi các doanh nghiệp công nghệ cao có mức ưu đãi thuế và chính sách ưu đãi cao nhất trong hệ thống ưu đãi của Nhà nước. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, do đó, rất ít doanh nghiệp đạt được các tiêu chí theo Quyết định 19 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập văn phòng chuyên xem xét các hồ sơ để công nhận doanh nghiệp công nghệ cao do hầu hết các địa phương không đủ năng lực để xác định các doanh nghiệp công nghệ cao ở địa phương mình.
Trong gần 8 năm theo dõi, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận thấy các địa phương rất khó khăn trong việc xác định doanh nghiệp công nghệ cao, thậm chí có những địa phương chưa công nhận được doanh nghiệp khoa học công nghệ nào trong khi những địa phương có tiềm lực mạnh như TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội đã chủ động và công nhận gần 200 doanh nghiệp khoa học công nghệ. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chịu trách nhiệm thẩm định và cấp chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao cho các doanh nghiệp đạt đủ các tiêu chí.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!