Tuần qua, báo chí nóng lên khi Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 22 bị cáo trong vụ án "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam PVC. Trong khi đó, tại thành phố Hồ Chí Minh, phiên tòa xét xử giai đoạn 2 vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng và một số Ngân hàng khác được mở xét xử.
Theo tờ Tiền phong đánh giá, hai vụ án lớn được mở xét xử đã cho thấy thực sự không có vùng cấm trong chống tham nhũng và không có chuyện chỉ tắm từ vai trở xuống, hy vọng lò chống tiêu cực tham nhũng của Đảng và Nhà nước sẽ còn nóng hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh tinh thần hưởng ứng mạnh mẽ của báo chí đối với việc việc đưa ra xét xử những vụ án cố ý làm trái, tham ô tài sản, còn khía cạnh khác mà các báo đưa ra là một bước tiến trong cải cách tư pháp.
Cụ thể, việc các phiên tòa bắt đầu ngay từ năm nay, sẽ diễn ra mà không có vành móng ngựa, thay vào đó là bục khai báo. Tờ Pháp luật Việt Nam gọi đây là cuộc cách mạng trong hoạt động tư pháp. Điều này cho thấy nguyên tắc "Suy đoán vô tội" và "Giả định phạm tội" được tôn trọng.
Nếu như trước đây, trong các phòng xử chỗ ngồi của kiểm sát viên ngang hàng với hội đồng xét cử, thư ký, tạo nên cảm giác cơ quan truy tố như "người nhà của" của Tòa án. Còn phía luật sư lại bị xếp dưới cơ quan kiểm sát, khá xa với Viện kiểm sát. Hiện nay, vị trí ngồi của luật sư đã ngang hàng, đối diện với Viện kiểm sát - cơ quan luận tội.
Trước vấn đề này, báo Đại đoàn kết bày tỏ quan điểm, một tinh thần đổi mới được thể hiện từ vị trí chiếc ghế ngồi. Đây là sự nhắc nhở nguyên tắc, kết quả xét xử phải căn cứ vào nội dung tranh tụng tại tòa, góp phần giảm đến mức thấp nhất những vụ án oan sai không đáng có.
Trước đó, báo Lao động đã có bài viết "Chiếc áo công dân", đề xuất bỏ áo tù khi ra tòa, vì bị cáo chưa phải là phạm nhân, chưa chịu hình phạt của pháp luật. Đến nay, bị cáo có thể mặc vest, thắt cà vạt ra tòa và chỉ đứng trên bục khai báo. Với nhưng thay đổi mới nhất này, báo Lao động khẳng định đây chính là thông điệp của dân chủ, quyền con người được đề cao trong một xã hội văn minh.
Nói một cách rộng ra, những thay đổi từ vị trí của các bị cáo, sự biến mất của chiếc vành móng ngựa đã cho thấy sự thay đổi rõ nét và đúng đắn, tiệm cận với những nguyên tắc của pháp luật tố tụng hình sự thế giới. Nó cũng phản ánh bước chuyển về nhận thức, tiếp cận các giá trị phổ quát của nhân loại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!