9 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực

Cù Ngọc Hùng-Thứ hai, ngày 20/10/2014 13:16 GMT+7

Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Ảnh VGP/Lê Sơn

Trong phiên khai mạc Quốc hội sáng 20/10, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hôi năm 2014 và nhiệm vụ trong năm 2015.

Một trong những nội dung trọng tâm trong báo cáo của Chính phủ đề cập tình hình kinh tế vĩ mô của đất nước trong năm 2014, những kết quả đạt được trong lĩnh vực này đặt trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong 9 tháng đầu năm 2014, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định, tốt hơn. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, 9 tháng tăng 2,25%, thấp nhất trong 10 năm qua; dự kiến cả năm tăng dưới 5%. Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2013, đến nay, tăng trưởng tín dụng đạt 7,26% và dự kiến đạt 12-14% cho cả năm. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng tăng cao nhất từ trước đến nay.

Về thương mại, xuất khẩu của các doanh nghiệp tăng 13%, cán cân thương mại, cán cân thanh toán và vãng lai đều thặng dư. Vốn FDI thực hiện 9 tháng đạt 8,9 tỷ USD và dự kiến cả năm có thể đạt 12,5 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Tuy vậy, báo cáo cũng nêu rõ một số hạn chế như môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh còn chậm được cải thiện, sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng, số giải thể, ngừng hoạt động còn lớn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: "Nhìn chung, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức, mặc dù vẫn còn không ít hạn chế yếu kém nhưng hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đã đạt được những kết quả tích cực, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, chủ quyền quốc gia được bảo đảm, vị thế quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng lên; Cơ bản đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội mà Quốc hội đã đề ra. Trong 14 chỉ tiêu kế hoạch 2014, dự báo có 13 chỉ tiêu đạt, vượt và một chỉ tiêu không đạt. Đây là sự nỗ lực lớn, cố gắng lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta".

9 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII (ngày 20/10/2014)

Đề cập mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế xã hội năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, tình hình thế giới đang diễn biến khó lường, xung đột diễn ra ở nhiều nơi kinh tế thế giới phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy mục tiêu tổng quát trong năm 2015 và tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, gắn tái cơ cơ cấu kinh tế với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014, tiếp tục phát triển văn hóa xã hội, cải thiện bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống nhân dân đây mạnh cải cách hành chính phòng chống lãng phí, tăng cường quốc phòng an ninh giữ vững chủ quyền quốc gia.

Về các chỉ tiêu cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, tổng sản phẩm trong nước tăng khoảng 6,2%, tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%; tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP là 5%, Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP. Về xã hội, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7- 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%, tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%, tỷ lệ trẻ em 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 15%, tỷ lệ giường bệnh/1.000 dân đạt 23,5% giường.

Để đạt được các mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề xuất một số giải pháp như tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ đồng bộ với chính sách tài khóa, kiểm soát lạm phát, tăng dư nợ tín dụng, ổn định tỷ giá; bảo đảm bội chi theo kế hoạch, kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng và và bảo đảm nợ công nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn; Đẩy mạnh xuất khẩu, xây dựng thương hiệu hàng hóa.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới các giải pháp như đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế hải quan bảo hiểm xã hội; thực hiện khẩn trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, kế hoạch cổ phần hóa thoái vốn và đầu tư ngoài ngành, bán phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối; Huy động nguồn lực đầu tư gắn với xây dựng nông thôn mới, đổi mới tổ chức sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ, nhân rộng mô hình liên kết sản suất gắn với chế biến tiêu thụ nông sản, khuyến khích các hình thức hợp tác, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới phù hợp với nguồn lực và điều kiện cụ thể của địa phương cũng như xây dựng các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững với đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước