Trong tuần, xuất hiện những tin tức khoét sâu thêm sự chia rẽ giữa Nga và các nước phương Tây. Hội nghị Bộ trưởng Nato tổ chức tại Brussel, Bỉ đã thông qua quyết định xây dựng lực lượng phản ứng nhanh để triển khai khi cần thiết tại các nước Đông Âu, sát với biên giới Nga. Quyết định này thể hiện phản ứng quyết liệt nhất của NATO đối với Nga kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát.
Còn tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong chuyến thăm hồi đầu tuần, tổng thống Nga Putin đột ngột tuyên bố dừng thực hiện dự án khổng lồ trị giá tới 40 tỷ $, cung cấp khí đốt từ Nga cho các nước Châu Âu qua Biển Đen. Dự án dòng chảy Phương nam, từng được coi như hình mẫu của sự hợp tác giữa ngành dầu khí Nga và các công ty Châu Âu, đã bị ngừng lại, do những căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và các nước Phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Có thể nói, Châu Âu rất bất ngờ với quyết định của ông Putin. Quyết định này không chỉ làm thay đổi bản đồ an ninh năng lượng châu Âu trong những năm tới, mà còn tác động tới mối quan hệ Nga - EU, cũng như tác động tới các vấn đề nội bộ của Châu Âu theo cách mà Brussel không mong muốn nhất.
Những vấn đề này sẽ được phân tích trong chương trình Toàn cảnh thế giới tuần này cùng sự tham gia của Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc tế.
Dự án “Dòng chảy phương Nam” là dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt dòng chảy phương Nam từ Nga tới phía Nam châu Âu mà không cần qua lãnh thổ Ukraine hứa hẹn cung cấp 63 tỷ mét khối khí đốt/năm, đáp ứng 20% nhu cầu khí đốt của EU. Dự án "Dòng chảy phương Nam" trị giá tổng cộng 40 tỷ USD và sẽ có các đoạn đường ống khí đốt chạy qua Nga và nhiều nước Châu Âu. Ngoài Tập đoàn Gazprom của Nga đóng góp 50% vốn, nhiều Tập đoàn năng lượng khác của Châu Âu cũng tham gia vào dự án này như Tập đoàn Dầu lửa ENI của Italia với 20% vốn, Tập đoàn Điện lực EDF của Pháp với 15% vốn và công ty Wintershall của Đức với 15% vốn.
Tập đoàn xuất khẩu khí đốt hàng đầu của Nga - Gazprom đã chính thức xác nhận dự án “Dòng chảy phương Nam” đá bị khép lại. Thay vào đó, Nga sẽ xây dựng đường ống dẫn khí đốt khác thay thế, sử dụng nguồn vốn, các tài liệu và một số cơ sở hạ tầng cũ của dự án “Dòng chảy phương Nam". Tuy nhiên sẽ không lấy tên dòng chảy phương Nam như dự định và sẽ không chạy qua Bulgaria. Gazprom cho biết, đường ống dẫn khí đốt mới sẽ chạy ngầm qua Biển Đen, cung cấp 14 tỷ mét khối cho Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó tiếp tục cung cấp thêm 50 tỷ mét khối khí đốt cho khu vực Nam Âu qua một trạm trung chuyển khí đốt nằm ở rìa Đông Nam EU – biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp.
Việc dự án dòng chảy phương Nam bị hủy chắc chắn là một gánh nặng đối với các công ty tham gia đầu tư vào dự án. Công ty Gazprom của Nga đã đầu tư gần 5 tỷ USD vào phần công trình làm nên đoạn đường ống dòng chảy phương Nam trên lãnh thổ cuả Nga. Các công ty khác của Châu Âu cũng đã đầu tư ít nhất 2.5 tỷ USD vào dự án này. Ngoài ra việc hủy bỏ dự án này có thể khiến Bulgaria mất đi nhiều lợi ích khi mà riêng nguồn thu ngân sách từ phía trung chuyển khí đốt có thể đem lại cho Bulgaria khoảng 400 triệu Euro/năm.
“Chúng ta đang đứng trước một thời đại mới về công nghệ và vai trò của năng lượng cho nên dự án này có những ý nghĩa trực tiếp, gián tiếp, nhỏ và lớn. Các nước Đông Âu thì rõ ràng bị ảnh hưởng trực tiếp. Một loạt các đại gia dầu lửa và nhà đầu tư lớn đã bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu Nga tiếp tục dự án thì tốn kém 40 tỷ, trong lúc đó, nếu như Nga chuyển hướng đi qua Thổ Nhĩ Kỳ đến Nam Âu mất có 10 tỷ đầu tư. Nga phải dành số tiền trong dự án này để xây dựng đường ống đi qua Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng này lại một lần nữa tạo động lực cho EU triển khai một chính sách năng lượng mới, chủ động để tránh phụ thuộc vào Nga.
Vấn đề này vừa dựa trên giá dầu rẻ đồng thời khai thác nguồn năng lượng hóa thạch và tái sinh. Về lâu dài, chúng ta đã chứng kiến một thời kỳ mới với việc Mỹ đã trở thành nước khai thác dầu lửa đứng hàng đầu trong top 3 của thế giới bằng công nghệ mới. Thêm vào đó, việc thế giới thúc đẩy ngành năng lượng xanh thì nó có thể tạo ra một cuộc thay đổi lần thứ 5 trong lịch sử công nghiệp hóa – hiện đại hóa của nhân loại. Chúng ta đã biết thời kỳ đầu đó là đầu máy hơi nước, thời kỳ tiếp hai thập kỳ vửa qua là công nghệ thông tin và kỹ thuật số và thời kỳ thứ năm này phải chăng đó là công nghệ mới về năng lượng?” – Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường cho biết.
Để biết rõ hơn nội dung cuộc trò chuyện của TS.Nguyễn Ngọc Trường tại chương trình Toàn cảnh thế giới cũng như những bình luận, nhận xét về tình hình thế giới tuần qua, bạn hãy xem video dưới đây: