Bầu cử Quốc hội Đức: Chưa thể biết ai sẽ là Thủ tướng

Lê Hồng Quang (Phóng viên THVN từ châu Âu)-Thứ ba, ngày 28/09/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn - Một cuộc bầu cử với kết quả sít sao, hai đảng lớn nhất sẽ phải ganh đua để có thể thành lập một chính phủ liên minh.

Ngày 26/9, đảng Dân chủ Xã hội Đức đã giành được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức, vượt lên trước đảng Dân chủ Thiên chúa giáo của Thủ tướng Angela Merkel. Xếp thứ ba là đảng Xanh và thứ tư là đảng Dân chủ tự do với đường lối ủng hộ doanh nghiệp.

Hai đảng này đã tuyên bố sẵn sàng liên minh với một trong hai đảng giành được số phiếu lớn nhất để có đủ đa số quá bán, cùng nhau nắm quyền. Chính vì vậy mà ở giai đoạn này, chưa thể biết đảng nào sẽ lập được chính phủ và ai sẽ là Thủ tướng nước Đức.

Hai đảng lớn nhất của Đức tuyên bố sẽ đứng ra thành lập liên minh cầm quyền

Chuyện bất ngờ trong đêm kiểm phiếu bầu cử là cả hai đảng lớn nhất của Đức đều tuyên bố sẽ đứng ra thành lập liên minh cầm quyền. Nhưng không có gì là mâu thuẫn, vì mỗi đảng chỉ thu được khoảng 1/4 tổng số phiếu bầu, cho nên đảng nào tập hợp được thêm 2 đảng nhỏ nữa để có được quá bán, thì vẫn thành lập được chính phủ và giữ ghế Thủ tướng.

Đêm 26/9, khi kết quả sơ bộ cho thấy đảng Dân chủ Xã hội về đầu với 25,7%, thì ứng cử viên Thủ tướng của đảng trung tả đã khẳng định thắng cử.

Ông Olaf Scholz - Ứng cử viên Thủ tướng của đảng Dân chủ Xã hội SPD nói: "Điều chắc chắn là nhiều công dân đã bầu chọn SPD, vì họ muốn có sự thay đổi trong chính phủ. Và muốn Thủ tướng tiếp theo của đất nước này là Olaf Scholz".

Về thứ nhì với 24,1% số phiếu, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo trung hữu thu được kết quả tồi tệ nhất trong lịch sử hơn 70 năm tồn tại. 16 năm qua, đảng trung hữu nắm quyền, với Thủ tướng là bà Angela Merkel. Kết quả bầu cử tồi tệ không ngăn ứng cử viên Thủ tướng của đảng này tuyên bố vẫn có thể thành lập chính phủ.

Bầu cử Quốc hội Đức: Chưa thể biết ai sẽ là Thủ tướng - Ảnh 1.

Ông Armin Laschet - Ứng cử viên Thủ tướng của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo CDU cho biết: "Sẽ là lần đầu tiên có thể có một chính phủ liên bang với ba đảng liên minh với nhau. Chúng tôi đã nhận được sự ủy nhiệm rõ ràng từ các cử tri. Bỏ phiếu cho liên minh này chính là bác bỏ ý tưởng về một chính phủ liên minh cánh tả".

Viễn cảnh chính trường nước Đức vậy là đang lệ thuộc vào chuyện đảng nào trong số hai đảng dẫn đầu sẽ thuyết phục được các đảng nhỏ cùng liên danh để có đủ tổng số quá bán trong Quốc hội.

Ông Fabian Beine - Cử tri ủng hộ đảng Dân chủ Thiên chúa giáo CDU nói: "Tôi vẫn hy vọng được biết ngay trong đêm nay, hay sau đàm phán thành lập chính phủ, rằng Thủ tướng sẽ là Armin Laschet, ví dụ nếu liên minh được với đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do. Theo tôi đó mới là một kết cục tốt".

Đàm phán thành lập liên minh cầm quyền thường mất nhiều thời gian. Sau kỳ bầu cử Quốc hội lần trước, đảng thắng cử đã phải mất tới hơn 4 tháng mới dàn xếp thành lập được chính phủ và từ đó bầu ra Thủ tướng.

Đảng Dân chủ Xã hội dẫn đầu có ưu thế trong cuộc đua thành lập liên minh cầm quyền?

Mọi chuyện còn tùy thuộc hoàn toàn vào việc đảng nào thành lập được liên minh đa số. Nhưng theo kết quả bầu cử thì ông Olaf Schulz đang ở vị thế tốt hơn để trở thành Thủ tướng Đức. Nếu đảng Xã hội cầm quyền và ông Olaf Schulz làm Thủ tướng, thì theo như cam kết tranh cử, chính sách của nước Đức sẽ tập trung nhiều hơn vào tái lập công bằng xã hội và tăng lương tối thiểu.

Về chính sách nhập cư, đảng Xã hội chủ trương cho phép người tị nạn được tham gia các khóa học hòa nhập và ngôn ngữ, được phép đi làm và người hòa nhập tốt có thể định cư vĩnh viễn. Đảng Xã hội cũng muốn cải tổ cách thức tiếp nhận người tị nạn ở châu Âu, bằng cách thiết lập các tuyến đường di cư hợp pháp.

Bầu cử Quốc hội Đức: Chưa thể biết ai sẽ là Thủ tướng - Ảnh 2.

Nếu đảng Dân chủ Thiên chúa giáo thành lập được liên minh cầm quyền, thì đường hướng đối nội cũng như đối ngoại có lẽ sẽ không mấy khác những năm vừa qua dưới thời bà Angela Merkel.

Ứng cử viên Thủ tướng Armin Laschet từ trước vẫn ủng hộ và theo sát quan điểm của bà Angela Merkel. Ví dụ như quan điểm nhập cư có chọn lọc được đề cao, theo mô hình "nhân văn và trật tự". Theo cách làm đó thì số lượng người nhập cư sẽ giảm nhiều, hạn chế người nhập cư có trình độ thấp, và chính quyền liên bang sẽ giành quyền quyết định trục xuất những người không đủ điều kiện, chứ các bang sẽ không được quyết việc này. Các quan điểm đó có thể sẽ bị "pha loãng" theo hướng này hoặc hướng khác tùy thuộc vào việc đảng này lập được liên minh cầm quyền với những đảng nào.

Chính trường Đức lâu nay được mô tả là dễ đoán định hay bình lặng. Cũng một phần vì Thủ tướng Angela Merkel là nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất nước Đức, tới 16 năm. Nhưng cuộc bầu cử Quốc hội Đức lần này thì đã có sự khác biệt. Một cuộc bầu cử với kết quả sít sao, hai đảng lớn nhất sẽ phải ganh đua để có thể thành lập một chính phủ liên minh.

Giới chuyên gia cũng nhận định, kết quả bầu cử gay cấn này cho thấy sự thay đổi của một bộ phận cử tri Đức, vào một thời điểm mà tất cả các quốc gia đều đối diện với nhiều khó khăn sau đại dịch. Đó là họ không chỉ bỏ phiếu cho đảng mà bấy lâu nay họ hay gia đình họ vẫn "trung thành", mà lá phiếu được bầu dành cho những ứng viên mà họ đánh giá là xứng đáng.

Kết quả 'sít sao' giữa 2 đảng trong bầu cử Quốc hội Đức Kết quả "sít sao" giữa 2 đảng trong bầu cử Quốc hội Đức

VTV.vn - Trong cuộc bầu cử Quốc hội tại Đức ngày hôm qua (26/9), hai đảng lớn nhất, trung tả và trung hữu đã thu được số phiếu bầu ngang ngửa nhau.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước