Hơn 484,49 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 81,66 triệu ca mắc và hơn 1 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 7.200 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Gần 30.000 trẻ em tại Mỹ đã được xác nhận mắc COVID-19 trong tuần qua. Số ca mắc mới ở trẻ em Mỹ tăng mạnh trong năm 2022 khi làn sóng dịch mới bùng phát do biến thể Omicron lây lan nhanh. Theo Viện Nhi khoa Mỹ và Hiệp hội Viện nhi Mỹ, hơn 12,8 triệu trẻ em Mỹ đã mắc COVID-19 kể từ khi dịch bùng phát tại quốc gia này, trong đó hơn 171.000 ca được ghi nhận trong 4 tuần qua. Giới chức y tế nước này cho rằng, cần phải đánh giá những tác động của đại dịch với sức khỏe trẻ em cũng như những tác động lâu dài về thể chất, tinh thần và đời sống xã hội của thế hệ trẻ em và thanh thiếu niên hiện nay do ảnh hưởng của đại dịch.
Trang tin Conversation của Australia mới đây đăng báo cáo cho biết, tình trạng sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 xảy ra ngày càng nhiều và kéo dài tại Mỹ. Báo cáo dẫn nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Boston thực hiện cho thấy, hơn 20% số người trưởng thành tại Mỹ có thể bị trầm cảm vào cả mùa xuân năm 2020 và mùa xuân năm 2021.
Theo nghiên cứu đánh giá vấn đề sức khỏe tâm thần và tài sản trên quy mô toàn quốc vào tháng 3/2020, có 27,8% người Mỹ trưởng thành cho biết họ có các triệu chứng trầm cảm, chẳng hạn như không hứng thú với các hoạt động hoặc cảm thấy chán nản hoặc tuyệt vọng. Con số này cao hơn 3 lần so với tỷ lệ 8,5% người trưởng thành tại Mỹ trầm cảm trước đại dịch COVID-19.
Báo cáo nhấn mạnh, điều đáng chú ý nhất là trong một năm xảy ra đại dịch, tỷ lệ trầm cảm vẫn ở mức cao, cho dù có những tín hiệu tích cực về việc giảm số ca bệnh nặng và số ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 29/3, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,02 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 521.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 659.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 29,85 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Tây Ban Nha bước sang giai đoạn mới trong chiến lược ứng phó với đại dịch COVID-19, trong đó Chính phủ nước này quyết định dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế từng được áp dụng để phòng dịch.
Theo đó, COVID-19 sẽ được coi là bệnh đặc hữu tại Tây Ban Nha. Giới chức Tây Ban Nha đã dỡ bỏ yêu cầu cách ly 7 ngày với những người mắc bệnh nếu không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Những người này được khuyến nghị đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc gần với những người dễ chịu tổn thương nhưng vẫn được phép đi làm. Khán giả đến sân theo dõi các sự kiện thể thao sẽ được mang theo đồ ăn và thức uống như trước đây. Các biện pháp kiểm soát sẽ tập trung bảo vệ nhóm trên 60 tuổi hoặc có bệnh nền có nguy cơ cao trở nặng nếu nhiễm COVID-19. Những người khỏe mạnh và ít tuổi hơn không cần phải thực hiện xét nghiệm PCR để xác nhận tình trạng nhiễm bệnh.
Singapore sẽ nới lỏng một loạt các biện pháp quan trọng phòng dịch COVID-19. (Ảnh: AP)
Từ ngày 29/3, Singapore sẽ nới lỏng một loạt các biện pháp quan trọng phòng dịch COVID-19. Quy định đeo khẩu trang sẽ không còn là bắt buộc. Người dân có thể bỏ khẩu trang khi đi ngoài trời, tuy nhiên vẫn phải đeo khẩu trang trong không gian trong nhà như tại các tòa nhà văn phòng, trung tâm mua sắm, trên các phương tiện giao thông công cộng, lớp học… Quy mô tụ tập đông người được tăng gấp đôi, từ 5 lên 10 người. Các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có thể cho nhân viên đi làm trực tiếp tới 75% tổng số nhân viên.
Từ ngày 1/4, Singapore cũng sẽ mở cửa trở lại biên giới cho tất cả du khách quốc tế đã tiêm phòng đầy đủ.
Nhằm thúc đẩy ngành du lịch, Thái Lan đang xem xét thay thế yêu cầu xét nghiệm PCR sau khi nhập cảnh bằng xét nghiệm nhanh có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Theo quy định hiện hành, du khách nước ngoài muốn nhập cảnh vào Thái Lan phải đăng ký xin mã nhập cảnh, trong đó yêu cầu người nhập cảnh có giấy xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh, đồng thời phải xét nghiệm PCR trong ngày đầu tiên nhập cảnh và thêm một xét nghiệm nhanh vào ngày thứ 5 lưu trú.
Tuy nhiên, Thái Lan sẽ căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh ở nước này để xem xét đưa ra quyết định cuối cùng. Thái Lan kỳ vọng, đất nước chùa Vàng sẽ đón khoảng 7 triệu du khách trong năm nay và đặt mục tiêu phục hồi 50% ngành du lịch trong năm 2023, 100% trong năm 2024.
Sau vài ngày số ca nhiễm SARS-CoV-2 giảm xuống mức hơn 1.000 ca/ngày, Bộ Y tế Lào ngày 29/3 cho biết, con số này đã tăng trở lại, lên 2.183 ca trong 24 giờ qua, trong đó thủ đô Ventiane tiếp tục là tâm dịch với 1.132 trường hợp. Đại diện Bộ Y tế Lào cho biết, tình hình dịch COVID tại Lào vẫn diễn biến phức tạp với biến thể Omicron, tạo gánh nặng lớn cho ngành y tế.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong bối cảnh người dân Lào đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc vào giữa tháng 4 tới, Bộ trên cảnh báo về nguy cơ gia tăng đột biến số ca nhiễm trong dịp này.
Để người dân không tụ tập đông khiến dịch bùng phát mạnh, Chính phủ Lào mới đây đã chỉ thị không tổ chức các sự kiện chào mừng Tết năm mới. Tuy nhiên, điều này chỉ giúp hạn chế phần nào bởi dù không tổ chức các sự kiện công cộng ngoài trời, người dân vẫn sẽ tổ chức tiệc tùng tại nhà, có thể kích hoạt các đợt bùng phát dịch nếu không tuân thủ các biện pháp phòng chống. Chính vì lý do này, Bộ Y tế Lào tiếp tục kêu gọi người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa theo hướng dẫn, tiếp tục đi tiêm vaccine đủ các mũi cơ bản và tiêm các mũi tăng cường.
Ngày 29/3, Bộ Y tế Campuchia đã áp dụng trở lại quy định xét nghiệm nhanh COVID-19 đối với lao động nước này trở về từ Thái Lan. Đây được coi là nỗ lực của giới chức Campuchia nhằm nhanh chóng kiểm soát lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từ biên giới Thái Lan vào Campuchia trước thềm Tết Khmer truyền thống vào tháng 4 tới.
Các quan chức Campuchia đã bày tỏ lo ngại về khả năng gia tăng các ca mắc COVID-19 trở lại khi lao động Campuchia từ Thái Lan về nước đón Tết Khmer ngày càng đông. Hiện có hơn 1.000 lao động Campuchia trở về từ Thái Lan đang phải cách ly ở biên giới.
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã thể hiện sự lo ngại trước việc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lây lan trên thế giới, đặc biệt tại một số nước láng giềng, đồng thời nêu rõ phải thận trọng và nhanh chóng áp dụng các biện pháp phòng ngừa cần thiết.
Thành phố Thượng Hải triển khai phong tỏa phòng dịch tại 2 khu vực trong 2 giai đoạn. (Ảnh: AP)
Với quan điểm duy trì "Zero COVID", Thượng Hải, thành phố đông dân nhất của Trung Quốc, vào ngày 29/3 đã siết chặt giai đoạn đầu của lệnh phong tỏa gồm hai giai đoạn phòng ngừa đại dịch COVID-19, yêu cầu người dân ở một số khu dân cư ở trong nhà để được xét nghiệm COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc hàng ngày ở thành phố này đã vượt quá 4.400 ca.
Thành phố với khoảng 25 triệu dân này đã bước sang ngày thứ hai thực hiện lệnh phong tỏa. Từ 5h ngày 28/3 đến 5h ngày 1/4, lệnh phong tỏa tạm thời được áp dụng tại các vùng ở phía Đông và phía Nam sông Hoàng Phố, trong đó có quận Phố Đông và các vùng phụ cận. Sau đó, từ 3h ngày 1/4 đến 3h ngày 5/4, lệnh phong tỏa được triển khai tại các quận nội đô ở phía Tây sông Hoàng Phố. Giới chức Trung Quốc khẳng định, biện pháp trên nhằm hạn chế virus lây lan, bảo vệ sức khỏe và đời sống của người dân và đạt mục tiêu sớm đưa số ca mắc bệnh trong cộng đồng về 0.
Các chuyên gia từ trường y Anschutz thuộc Đại học Colorado thông báo kết quả nghiên cứu mới cho thấy, virus SARS-CoV-2 tiến hóa theo hướng ngày càng nâng cao khả năng né tránh hệ miễn dịch bẩm sinh của con người. Đây được coi là một phát hiện quan trọng, vừa thúc đẩy tiếp tục nghiên cứu sâu về loại virus còn nhiều bí ẩn này, vừa mở ra một hướng mới để tìm được phương thức điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Ngay từ khi virus SARS-CoV-2 được thông báo xuất hiện lần đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc, các nhà nghiên cứu Mario Santiago và Eric Poeschla tại Đại học Colorado đã tập trung theo dõi cách các virus gốc và các biến thể phản ứng với các interferon. Đây là loại protein được tế bào người sản sinh nhằm ngăn chặn virus phát triển trong cơ thể, một phần quan trọng trong phản ứng miễn dịch bẩm sinh của con người và có vai trò như lớp phòng thủ tuyến đầu khi cơ thể nhiễm virus.
Trong nghiên cứu được báo cáo tại Hội thảo về Các bệnh truyền nhiễm hồi tháng 2, các nhà nghiên cứu đã so sánh cách phản ứng của 17 interferon khác nhau trong cơ thể người với virus chủng gốc và 5 biến thể của virus gồm Alpha, Beta, Delta, Gamma và Omicron. Các dữ liệu chỉ ra rằng, cả 5 biến thể đều có khả năng kháng cự tốt hơn với interferon so với virus chủng gốc.
Biến thể phụ BA.2 của Omicron hiện đang chiếm ưu thế trên toàn thế giới, làm tăng số ca COVID-19 ở nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Á. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, BA.2 chiếm tới 86% số ca mắc COVID-19 hiện nay. Biến thể phụ của phiên bản Omicron có khả năng lây truyền cao được gọi là BA.2 này thậm chí còn dễ lây truyền hơn so với các "anh chị em" Omicron rất dễ lây lan của nó, gồm BA.1 và BA.1.1. Tuy nhiên, các bằng chứng cho đến nay cho thấy, BA.2 không có nhiều khả năng gây ra bệnh nặng.
Trên toàn cầu, sự lây lan nhanh chóng của BA.2 được cho là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trong thời gian gần đây ở Trung Quốc cũng như tình trạng lây nhiễm kỷ lục ở các nước châu Âu như Đức và Anh. Các nhà khoa học cho biết, đây là một lời nhắc nhở rằng virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục gây hại, đặc biệt là đối với các nhóm dân số chưa được tiêm chủng và dễ bị tổn thương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!