Chặng đường dài
Từ hơn 2 năm nay, các quan chức y tế thế giới đã nỗ lực đàm phán để đạt được một hiệp ước toàn cầu về ứng phó đại dịch.
Trong tuần này tại Genève, Thụy Sỹ, 94 quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục nỗ lực đàm phán cho hiệp ước toàn cầu này trong Kỳ họp Đại Hội đồng Y tế thế giới lần thứ 77.
Dự thảo hiệp ước hướng đến chia sẻ dữ liệu về các chủng vi khuẩn, virus hoặc tác nhân có khả năng gây ra đại dịch, đồng thời bảo đảm rằng tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi một cách công bằng từ việc nghiên cứu vaccine, thuốc điều trị và phương pháp xét nghiệm; cho phép phản ứng nhanh hơn, tốt hơn và hợp tác thuận lợi trước bất kỳ một cuộc khủng hoảng y tế nào trong tương lai.
Ông Wiku (Đại diện phái đoàn quan chức y tế Indonesia) cho biết: "Các nước đang phát triển gặp khó khăn trong việc tiếp cận trang thiết bị y tế, vaccine và thuốc men. Hy vọng kỳ họp đại hội đồng lần này sẽ đạt được sự nhất trí về Hiệp ước ứng phó đại dịch".
Đại dịch COVID-19 đã phơi bày điểm yếu trong hệ thống quốc tế nhằm điều phối công tác ứng phó với đại dịch (Ảnh: CF)
Ông Tedros Adfanom Ghebreyesus (Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới) cho biết: "Tất cả chúng ta đương nhiên đều mong muốn có thể đạt được sự đồng thuận về Hiệp ước trong kỳ họp Đại hội đồng này và vượt qua vạch đích. Tôi vẫn tin tưởng rằng chúng ta sẽ làm được bởi nơi nào có ý chí nơi đó có con đường. Tôi biết rằng chúng ta vẫn có một ý chí chung để hoàn thành việc này".
Ngay khi các cuộc đàm phán cho Hiệp ước ứng phó đại dịch được khởi động vào tháng 12/2021, nhiều ý kiến cho rằng đây sẽ là một tiến trình chông gai bởi Hiệp ước đưa ra các ràng buộc pháp lý buộc các nước phải chia sẻ trách nhiệm toàn cầu nhiều hơn.
Hiện tại, các quốc gia tham gia đàm phán Hiệp ước vẫn đang chia rẽ về cách thức huy động và phân bổ nguồn lực, chia sẻ thông tin, thẩm quyền của WHO trong việc hỗ trợ các quốc gia phòng ngừa và ứng phó đại dịch.
Rào cản trong đàm phán
Dự thảo Hiệp ước yêu cầu các nước giàu cung cấp 20% vaccine, vật tư y tế như bộ xét nghiệm, phương pháp điều trị để WHO phân phối ở các nước nghèo hơn trong trường hợp khẩn cấp. Đây cũng là điểm mấu chốt dẫn đến bất đồng khi các nước giàu không chấp nhận con số này. Vào đầu tháng 5, Vương quốc Anh từ chối ký Hiệp định vì chưa sẵn sàng cung cấp 20% số vaccine của mình.
Dự thảo hướng đến việc thiết lập Hệ thống chia sẻ lợi ích và tiếp cận mầm bệnh - một nền tảng mới cho phép chia sẻ nhanh chóng dữ liệu mầm bệnh với các hãng dược phẩm, nhằm đẩy nhanh việc phát triển các sản phẩm hỗ trợ chống lại đại dịch.
Tuy nhiên, các nước đang phát triển lo ngại Hiệp ước có thể buộc họ phải cung cấp mẫu virus cho các nước giàu để phát triển vaccine và phương pháp điều trị nhưng sau đó lại không đủ khả năng chi trả cho những sản phẩm này. Các nước giàu thì lo ngại vấn đề bản quyền vaccine, quyền sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm.
Các cuộc tranh luận tập trung vào việc liệu có nên yêu cầu các hãng dược phẩm cung cấp 10% sản phẩm miễn phí và 10% sản phẩm với giá phi lợi nhuận cho WHO để phân phối trên toàn cầu.
Nhiều nước tham gia đàm phán vẫn bày tỏ cam kết mạnh mẽ để đạt được một thỏa thuận bước ngoặt trong công tác ứng phó đại dịch (Ảnh: Consilium)
Một số cũng cho rằng dự thảo nên yêu cầu các nước giàu hỗ trợ các nước nghèo thiết lập hạ tầng sản xuất vaccine tại chỗ để bảo đảm khả năng tiếp cận cho mọi người, điều mà các nước giàu cũng không mặn mà.
Điểm nổi bật của dự thảo mới nhất là một điều khoản quy định các quốc gia thành viên công nhận WHO là cơ quan hướng dẫn và điều phối hoạt động ứng phó y tế cộng đồng ở phạm vi quốc tế và cam kết tuân theo các chỉ thị của WHO trong trường hợp khẩn cấp về y tế. Nhiều tổ chức cho rằng việc trao cho WHO thẩm quyền này vượt lên trên chủ quyền quốc gia và có thể vi phạm nhân quyền. Chẳng hạn như quy định bắt buộc đeo khẩu trang và tiêm vaccine từng được nhiều nước áp dụng theo yêu cầu của WHO.
Trong dự thảo trước đó, WHO được trao quyền để đối phó trong "tất cả các rủi ro có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng". Nhưng dự thảo mới nhất hạn chế quyền lực của WHO trong lĩnh vực dịch bệnh. Tuy nhiên, cách tiếp cận toàn cầu về "Một sức khỏe" - là cách tiếp cận coi sức khỏe con người có mối liên hệ chặt chẽ với sức khỏe động vật và môi trường chung - vẫn được quy định trong dự thảo Hiệp ước. Điều này có thể cho phép mở rộng thẩm quyền của WHO sang các lĩnh vực khác chẳng hạn như hiện tượng nóng lên toàn cầu, môi trường, nông nghiệp và cung cấp thực phẩm.
Một rào cản khác khiến Hiệp ước toàn cầu về ứng phó đại dịch khó cán đích đúng thời hạn là việc ký ức về đại dịch đang dần bị lãng quên và sự chú ý đối với các thảm họa y tế đang dần nhường chỗ cho những vấn đề khác như biến đổi khí hậu, các cuộc xung đột ở Gaza, Ukraine…
Dù vậy, nhiều nước tham gia đàm phán vẫn bày tỏ cam kết mạnh mẽ để đạt được một thỏa thuận bước ngoặt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường an ninh y tế toàn cầu và bảo vệ thế giới khỏi các mối đe dọa đại dịch trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!