Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga vừa công bố kế hoạch dừng vận chuyển khí đốt qua Ukraine sau ngày 31/12/2024. Nếu được phê duyệt, đây sẽ là dấu chấm hết cho tuyến đường xuất khẩu khí đốt lâu đời nhất của Nga sang châu Âu, vốn được xây dựng từ thời Liên Xô.
Tòa tháp kinh doanh Lakhta Center, trụ sở chính của công ty khí đốt độc quyền Gazprom của Nga tại St. Petersburg, Nga, ngày 27/4/2022. (Ảnh: AP)
Trước xung đột tại Ukraine, Nga là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của châu Âu, với thị phần chiếm 45% vào năm 2021. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, thị phần này đã giảm xuống dưới 15% vào năm 2023. Thống kê cho thấy, lượng khí đốt Nga qua Ukraine hiện chỉ đạt khoảng 5,7 triệu m³ mỗi ngày, thấp hơn nhiều so với mức 9 triệu m³ theo hợp đồng, tương đương khoảng 2 tỷ m³ mỗi năm.
Hợp đồng trung chuyển khí đốt giữa Moscow và Kiev, ký kết từ năm 2019, mang lại cho Ukraine khoản phí 1,25 tỷ USD mỗi năm. Việc dừng vận chuyển qua Ukraine sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu này, trong khi Nga cũng đang tìm cách đa dạng hóa các tuyến đường xuất khẩu khí đốt.
Bất chấp các lệnh trừng phạt, khí đốt Nga vẫn đang được quá cảnh qua Ukraine để đến Trung Âu. Tuy nhiên, Nga đã bắt đầu tìm kiếm các tuyến đường thay thế, bao gồm việc thành lập một trung tâm khí đốt tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu.
Theo Bộ Năng lượng Nga, tổng lượng khí đốt xuất khẩu qua đường ống của Nga trong năm 2023 đạt 99,6 tỷ m³, trong đó 76 tỷ m³ được chuyển đến các quốc gia thân thiện. Điều này cho thấy Nga đang tái định hướng chiến lược năng lượng để ứng phó với tình hình địa chính trị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!