Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: RIA Novosti
Trong cuộc họp hôm 22/2, Ngoại trưởng 27 nước thành viên EU đã thống nhất áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với một số quan chức Nga bị EU cáo buộc liên quan đến nhân vật Alexei Navalny - người bị cơ quan chức năng Nga bắt giữ hồi tháng 1 vừa qua.
Theo ông Joseph Borrell - Cao ủy Liên minh châu Âu về vấn đề đối ngoại, lệnh trừng phạt mới mà EU dự kiến áp đặt cho các quan chức Nga được áp dụng theo Cơ chế nhân quyền toàn cầu của Liên minh châu Âu, còn được biết đến là Đạo luật Magnistky của EU.
"Để đáp trả những sự kiện diễn ra xung quanh vụ việc Navalny, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận chính trị về việc sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế chống lại những người chịu trách nhiệm trong vụ bắt giữ, kết án và bỏ tù ông Navalny", ông Joseph Borrell cho biết.
Bên cạnh việc thống nhất áp dụng các lệnh trừng phạt với một số quan chức Nga, các nhà Ngoại giao EU cũng thể hiện quan điểm cứng rắn với chính sách đối ngoại của Nga trong thời gian gần đây, đặc biệt là việc Nga trục xuất 3 nhà ngoại giao của Đức, Ba Lan và Thụy Điển vì tham dự các cuộc biểu tình ủng hộ nhân vật Navalny.
Lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Nga sẽ được thông qua trong tháng 3/2021 sau khi các nước thành viên EU phê chuẩn. Chi tiết về lệnh trừng phạt chưa được công bố, song thông qua Cơ chế nhân quyền toàn cầu, EU có thể áp lệnh đóng băng tài sản và cấm đi lại tại các nước EU với các quan chức Nga. Lệnh trừng phạt này dù không trực tiếp ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của Nga song tiếp tục khiến quan hệ EU-Nga ngày càng căng thẳng.
Nga đã lên án EU can thiệp thô bạo vào công việc tư pháp của Nga sau khi nước này bắt giữ và kết án tù nhân vật đối lập Alexei Navalny. Moscow cũng tuyên bố sẵn sàng cắt đứt quan hệ với châu Âu, nếu EU đưa ra các lệnh trừng phạt đe dọa đến lợi ích thiết yếu của Nga.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!