MH370 và công cuộc tìm kiếm trong vô vọng

Phi Long (Theo BBC)-Thứ bảy, ngày 07/03/2015 07:09 GMT+7

Chiếc máy bay MH370 đã mất tích bí ẩn trong gần 1 năm (Ảnh minh họa)

(VTV.vn) - Dù đã gần tròn 1 năm ngày chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích, tuy nhiên, công cuộc tìm kiếm vẫn diễn ra mà không có kết quả.

Ngày 8/3/2014, máy bay Boeing 777-200ER mang số hiệu MH370 đã cất cánh từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh, Trung Quốc, chở theo 239 hành khách và phi hành đoàn. Tuy nhiên, khoảng 1 giờ sau khi cất cánh, máy bay đã mất liên lạc và biến mất trên màn hình ra-đa.

Mặc dù công tác tìm kiếm đã được thực hiện trong suốt 1 năm qua tại phía Nam Ấn Độ Dương với sự hợp tác của cộng đồng quốc tế, tuy nhiên, chiếc máy bay mất tích vẫn chưa được tìm thấy, kéo theo sự tuyệt vọng của thân nhân những hành khách và phi hành đoàn có mặt trên chuyến bay.

Gần 1 năm trôi qua, những bí ẩn xoay quanh sự mất tích của chiếc máy bay MH370 vẫn chưa có lời giải đáp.

Điều gì đã xảy ra?

Vào lúc 00h41 ngày 8/3/2014 (theo giờ địa phương), máy bay MH370 đã khởi hành từ Sân bay quốc tế Kuala Lumpur và dự kiến sẽ tới Bắc Kinh vào lúc 06h30. Tuy nhiên, theo Hãng hàng không Malaysia Airlines, chỉ khoảng 1 giờ sau khi cất cánh, chiếc MH370 đã mất liên lạc. Hãng hàng không cho biết không hề nhận được tín hiệu cảnh báo hay tin nhắn từ máy bay.

Khoảng 01h07, tín hiệu của chiếc máy bay MH370 đã được gửi qua ACARS - một hệ thống cho phép máy bay liên lạc với các sân bay tại mặt đất. Tuy nhiên, hệ thống hoàn toàn im lặng sau đó và tín hiệu đáng lẽ phải tới trạm liên lạc tại mặt đất vào lúc 01h37 đã không được gửi.

Lời nói cuối cùng ghi lại từ máy bay MH370 được đài kiểm soát không lưu tại Malaysia xác nhận vào lúc 01h19. Ban đầu, Hãng hàng không Malaysia cho biết đó là lời nói của phi công phụ trên chuyến bay với nội dung là: “All right, good night” (tạm dịch là: Mọi việc đều ổn, chúc quý vị ngủ ngon). Tuy nhiên sau đó, các nhà chức trách đã xác nhận lại thông điệp cuối cùng, được nói bởi cơ trưởng hoặc phi công phụ, với nội dung là: “Good night Malaysian three seven zero” (tạm dịch là: Chúc ngủ ngon các hành khách trên chuyến bay MH370).

Vài phút sau đó, hệ thống thu phát tín hiệu trên máy bay đã bị tắt, khiến cho thiết bị không hiển thị trên ra-đa, khi MH370 đang bay qua không phận thuộc phía Nam của Việt Nam.

Lúc 01h21, Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam cho biết chiếc máy bay không được xác nhận trong lịch trình tại trạm điều khiển không lưu ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiếp đó, vào lúc 02h15, hệ thống ra-đa quân sự của Malaysia đã xác nhận chiếc máy bay MH370 đã chuyển hướng xuống đảo Phuket tại eo biển Malacca, nằm ở phía Tây so với vị trí đã biết trước đó. Ngoài ra, hệ thống ra-đa quân sự của Thái Lan cũng xác nhận chiếc máy bay đã di chuyển về hướng Tây, sau đó về phía Bắc, vượt qua biển Andaman.

Theo báo cáo ngày 1/5/2014 kèm theo các bản đồ, chính quyền Malaysia đã sửa lại thời gian xác nhận là 02h22 và di chuyển vị trí xác định máy bay xa hơn về phía Tây.

Tín hiệu vệ tinh ghi lại được từ chiếc máy bay MH370

Tín hiệu vệ tinh ghi lại được từ chiếc máy bay MH370

Sau khi ra-đa mất tín hiệu của chiếc máy bay, vào lúc 02h28, một vệ tinh đã ghi lại được dữ liệu về MH370 trên Ấn Độ Dương dưới dạng 7 tín hiệu “handshake” tự động phản hồi về trạm điều khiển tại mặt đất.

Tín hiệu phản hồi hoàn toàn cuối cùng mà vệ tinh ghi nhận được xác định vào lúc 08h11. Thông tin này được tiết lộ 1 tuần sau sự mất tích bí ẩn của chiếc MH370, mở ra 2 hướng di chuyển giả định của máy bay. Theo đó, MH370 có thể đã bay về phía Bắc, giữa khu vực Thái Lan và Kazakhstan hoặc máy bay đã di chuyển về phía Nam, giữa khu vực Indonesia và phía Bắc của Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên, sau đó xuất hiện một số bằng chứng cho thấy có một phần tín hiệu phản hồi giữa máy bay và trạm điều khiển tại mặt đất vào lúc 08h19. Điều này chứng minh rằng hệ thống thu phát tín hiệu trên máy bay đã được bật. Các chuyên gia cho rằng việc này phù hợp với tình huống thiết bị liên lạc với vệ tinh của máy bay khởi động lại sau khi ngừng hoạt động bởi vấn đề về nguồn điện.

Trạm điều khiển tại mặt đất vẫn tiếp tục tự động liên lạc với máy bay MH370, tuy nhiên, không có liên lạc nào được phản hồi lại. Thông tin được xác nhận vào lúc 09h15.

Công cuộc tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích

Hành trình của chuyến bay MH370 dự kiến di chuyển từ Malaysia về phía Đông Bắc, qua địa phận Campuchia và Việt Nam. Do đó, việc tìm kiếm máy bay mất tích ban đầu tập trung chủ yếu tại khu vực biển Đông, gần phía Nam của mũi Cà Mau.

Tuy nhiên, theo những thông tin từ ra-đa quân sự được công bố sau đó, khu vực tìm kiếm máy bay bất ngờ được thay đổi từ phía Bắc sang biển phía Tây của Malaysia. Rất nhiều tàu lớn và máy bay đã được huy động để tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích.

Ngày 15/3/2014, Thủ tướng Malaysia - ông Najib Razak - đã bất ngờ công bố rằng chiếc máy bay MH370 đã bị ai đó ép buộc đổi hướng từ bên trong khoảng 1 giờ sau khi cất cánh.

Với tín hiệu cuối cùng nhận được từ MH370 qua vệ tinh, chỉ một tuần sau khi chiếc máy bay biến mất, công cuộc tìm kiếm đã được mở rộng với quy mô lên tới gần 8 triệu km2, trải dài từ Kazakhstan tới phía Nam của Ấn Độ Dương.

Phạm vi tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370

Phạm vi tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370

Ngày 20/3, các đội tìm kiếm tại Australia đã tuyên bố phát hiện 2 vật thể nghi ngờ là một phần của MH370 thông qua hình ảnh chụp từ vệ tinh tại khu vực phía Nam của Ấn Độ Dương. Ngay sau đó, họ đã gửi các máy bay giám sát đường dài cùng tàu lớn và các thuyền tới khu vực này.

Lúc 14h00 ngày 24/3, Thủ tướng Malaysia tuyên bố các dữ liệu phân tích từ vệ tinh cho thấy chiếc máy bay có thể đã chìm sâu xuống vùng đại dương thuộc khu vực này.

Tuy nhiên, ngày 28/3, dựa theo phân tích về tốc độ và khoảng cách cực đại mà máy bay có thể di chuyển, khu vực tìm kiếm đã được di chuyển khoảng 1.100 km về phía Đông Bắc và tiến gần tới Australia.

Mặc dù các nhà chức trách của Malaysia cho biết có thể tìm thấy các mảnh vụn của MH370 tại khu vực tìm kiếm mới do các dòng chảy đại dương đã di chuyển những vật thể nổi bên trên, tuy nhiên, không mảnh vụn nào của chiếc máy bay bị mất tích được tìm thấy.

Vị trí buồng lái và vị trí hộp đen của máy bay

Vị trí buồng lái và vị trí hộp đen của máy bay

Từ ngày 5 - 8/4, các tàu tìm kiếm của Australia và Trung Quốc đã sử dụng các thiết bị thu âm dưới nước để dò tìm các tín hiệu siêu âm. Theo giới chức trách, phương pháp này có thể giúp tìm chiếc hộp đen của máy bay thông qua các tín hiệu siêu âm phản hồi.

Tuy nhiên, ngày 29/3, chính quyền Australia tuyên bố cuộc tìm kiếm không có kết quả và khu vực nhận được các tín hiệu có thể loại bỏ khỏi danh sách “nơi an nghỉ cuối cùng” của máy bay MH370. Mọi sự cố gắng lúc này đều đổ dồn vào các dữ liệu thu được khi khảo sát và tìm kiếm trên đại dương. Các quan chức tại Australia tin rằng MH370 vẫn tiếp tục bay ở chế độ tự động lái khi xảy ra sự cố.

Trong khi đó, các nhà chức trách tại Malaysia, dưới sự hỗ trợ tư vấn bởi các chuyên gia quốc tế về lĩnh vực hàng không và vệ tinh, tiếp tục cố gắng tìm kiếm chiếc máy bay trong những giờ phút cuối cùng để giải thích điều gì đã xảy ra với 239 hành khách và phi hành đoàn.

Ngày 26/6, các nhà chức trách tuyên bố mở rộng khu vực tìm kiếm mới với quy mô lên tới 60.000 km2, kéo dài khoảng 1.800 km về phía Tây của thành phố Perth, Australia. Đội tìm kiếm đã sử dụng các trang thiết bị đặc biệt để khảo sát tầng đại dương, kiểm tra kỹ lưỡng dưới mặt biển bằng các dụng cụ trục vớt và tàu ngầm nhằm tìm kiếm các bộ phận của máy bay MH370.

Tháng 8/2014, Phó Thủ tướng Australia - ông Warren Truss - cho biết các khu vực tìm kiếm tại phía Nam của Ấn Độ Dương là “ưu tiên hàng đầu”.

Ngoài ra, Fugro Survey - một công ty Hà Lan - đã ký hợp đồng với nhà chức trách tại Australia nhằm dẫn đầu đoàn nghiên cứu đẩy mạnh việc tìm kiếm chiếc máy bay MH370 dưới biển sâu. Công ty cho biết, công cuộc tìm kiếm có thể kéo dài tới 12 tháng.

Hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay

Chiếc máy bay MH370 mất tích bí ẩn đã chở theo 239 người.

Trong số đó, phi hành đoàn của Malaysia Airlines có 12 thành viên, dẫn đầu là cơ trưởng Zaharie Ahmed Shah 53 tuổi và phi công phụ Fariq Abdul Hamid 27 tuổi.

227 hành khách còn lại có 153 người Trung Quốc, 38 người Malaysia và những người thuộc các quốc gia khác bao gồm Iran, Mỹ, Canada, Indonesia, Australia, Ấn Độ, Pháp, New Zealand, Ukraine, Ngà, Đài Loan và Hà Lan.

Thân nhân của những người bị nạn đau đớn khi nghe thông báo về vụ mất tích máy bay MH370

Thân nhân của những người bị nạn đau đớn khi nghe thông báo về vụ mất tích máy bay MH370

Hai chàng trai người Iran có mặt trên chuyến bay MH370 là Pouria Nour Mohammad Mehrdad 19 tuổi và Delavar Seyed Mohammadreza 29 tuổi đã bị phát hiện sử dụng hộ chiếu không hợp lệ. Tuy nhiên, sau khi điều tra, các nhà chức trách kết luận họ không có liên quan đến các tổ chức khủng bố.

Trong số các hành khách mang quốc tịch Trung Quốc, có một đoàn đại biểu gồm 19 nghệ sĩ nổi tiếng có mặt tại Kuala Lumpur để tham dự một cuộc triển lãm.

Malaysia Airlines cho biết có 4 hành khách đã đăng ký chuyến bay nhưng không có mặt tại sân bay.

Ngày 24/3, người thân của các nạn nhân đã nhận được thông báo trực tiếp về vụ mất tích của chuyến bay MH370.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước