Hội đồng Thống đốc gồm 35 quốc gia thành viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 21/11 đã thông qua nghị quyết yêu cầu Iran cải thiện hoạt động hợp tác với tổ chức giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc (LHQ), đồng thời đề nghị IAEA đưa ra báo cáo "toàn diện" về Iran vào mùa Xuân năm tới.
Đây là lần thứ hai IAEA thực hiện động thái tương tự trong vòng 5 tháng qua.
Dự thảo nghị quyết - do các cường quốc phương Tây gồm Anh, Pháp, Đức (Nhóm E3) đề xuất và được Mỹ ủng hộ - đã nhận được 19 phiếu thuận; 12 phiếu trắng; 3 phiếu chống của Trung Quốc, Nga, Burkina Faso; và một thành viên không bỏ phiếu.
Bản nghị quyết nhằm mục đích gây sức ép buộc Iran phải tham gia đàm phán về những quy định hạn chế mới đối với hoạt động hạt nhân của nước này. Ngoài ra, IAEA cũng kêu gọi Tehran đưa ra câu trả lời đối với cuộc điều tra kéo dài về việc phát hiện các dấu vết urani tại 2 địa điểm mà Iran không thông báo là các khu vực hạt nhân.
Trước đó, ngày 20/11, Iran và IAEA đã tái khẳng định cam kết tiếp tục đối thoại và tương tác để giải quyết bất đồng cùng những vấn đề khác trong chương trình nghị sự song phương.
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran, trong cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng nước này Seyed Abbas Araghchi và Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi, hai bên đã nhấn mạnh sự cần thiết phải kiềm chế những cách tiếp cận đối đầu và không mang tính xây dựng. Ngoại trưởng Araghchi cũng nên rõ Iran sẽ phản ứng "thích đáng" khi các cường quốc phương Tây đề xuất nghị quyết chống Tehran nêu trên.
Các máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân Natanz của Iran. (Ảnh: IRNA/TTXVN)
Iran sẽ triển khai máy ly tâm tiên tiến để đáp trả sự chỉ trích của IAEA
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trước đó đã chỉ trích Iran thiếu hợp tác và gây sức ép để Iran phải tham gia đàm phán về những quy định hạn chế mới đối với hoạt động hạt nhân của nước này.
Ngày 22/11, Iran cho biết sẽ khởi động một loạt máy ly tâm "mới và tiên tiến" để đáp lại một nghị quyết của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chỉ trích Tehran thiếu hợp tác và gây sức ép để Iran phải tham gia đàm phán về những quy định hạn chế mới đối với hoạt động hạt nhân của nước này.
Tuyên bố chung của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) và Bộ Ngoại giao Iran nêu rõ: "Người đứng đầu AEOI đã ban hành lệnh thực hiện các biện pháp hiệu quả, bao gồm khởi động một loạt máy ly tâm mới và tiên tiến thuộc nhiều loại khác nhau".
Tuyên bố cũng nhấn mạnh việc hợp tác với IAEA về kỹ thuật và bảo vệ "sẽ tiếp tục như trước đây và trong khuôn khổ các thỏa thuận do Iran thực hiện".
Máy ly tâm là máy làm giàu urani chuyển thành khí bằng cách quay ở tốc độ rất cao, làm tăng tỷ lệ vật liệu đồng vị phân hạch (U-235).
Nghị quyết của IAEA được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng về chương trình hạt nhân của Iran.
Năm 2015, Iran và các cường quốc đã đạt thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế đổi lại việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân của của mình.
Tuy nhiên, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018 dưới thời Tổng thống Donald Trump và tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm khắc, khiến Iran bắt đầu hủy bỏ các cam kết của chính mình.
Trước đó, ngày 21/11, Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách các vấn đề pháp lý và quốc tế, ông Kazem Gharibabadi đã cảnh báo về bước đi tiếp theo của Tehran.
Ông Gharibabadi nêu rõ: "Iran đã tuyên bố trong một lá thư chính thức gửi các nước châu Âu rằng sẽ rút khỏi NPT nếu cơ chế phục hồi được kích hoạt và các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được khôi phục".
Thỏa thuận JCPOA có một cơ chế "bật lại" có thể được kích hoạt trong trường hợp "không thực hiện đáng kể" các cam kết của Iran. Cơ chế này sẽ cho phép Hội đồng Bảo an tái áp đặt tất cả các lệnh trừng phạt từng thực thi từ năm 2006-2015 đối với các hoạt động hạt nhân của Tehran.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!