Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã được xác định ở nhiều nước ngoài Anh, gồm 9 trường hợp tại Đan Mạch, 1 trường hợp ở Italy, 1 ở Hà Lan và 1 ở Australia. Những thông tin ban đầu cho thấy biến thể mới có khả năng lây nhiễm nhanh hơn tới 70%.
Do đang ở cao điểm của dịch, các nước châu Âu không thể mạo hiểm chờ đợi cho tới khi có thông tin rõ ràng hơn. Ngay lập tức, hàng loạt nước châu Âu đã ban bố lệnh đóng cửa biên giới và cấm bay đối với các chuyến bay từ Anh. Đức, Hà Lan nằm trong số những nước đầu tiên ngừng mọi chuyến bay đến và đi từ Vương quốc Anh. Pháp lập tức áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Anh bằng đường hàng không, đường biển và đường bộ. Italy và Áo cũng thông báo đình chỉ các chuyến bay với Anh, trong khi Hy Lạp yêu cầu tất cả du khách đến từ Anh phải cách ly bắt buộc trong ít nhất 1 tuần.
Ông Hugo De Jonge - Bộ trưởng Y tế Hà Lan cho biết: "Chúng tôi đã áp dụng lệnh cấm bay với Vương quốc Anh và cũng đang xem xét các biện pháp phòng ngừa khác. Chúng tôi muốn ngăn chặn việc phát tán một biến thể của virus có thể dễ lây lan hơn từ Anh tới lục địa châu Âu. Hiện tại, chúng tôi chưa thể tiết lộ cụ thể biến thể này đã xuất hiện ở Hà Lan và các nước châu Âu khác ở mức độ như thế nào".
Cùng với việc ngừng mọi chuyến bay tới Anh, đường hầm Eurotunnel nối Anh và Pháp đã đóng cửa từ sáng 21/12, bến phà ở Dover của Anh cũng đã đóng cửa. Như vậy, đường không và đường biển ra vào nước Anh đều bị phong tỏa. Với lệnh cấm bay và đóng cửa biên giới, các nước châu Âu đang tự trang bị vũ khí chống lại biến thể được đánh giá rất dễ lây lan của virus SARS-CoV-2.
Pháp lập tức áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Anh bằng đường hàng không, đường biển và đường bộ
Trước khi biến thể mới xuất hiện, người dân châu Âu kỳ vọng sớm kiềm chế được đại dịch
Bởi từ ngày 27/12, nhiều nước châu Âu sẽ bắt đầu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Giờ đây, dư luận đang đặt câu hỏi liệu những vaccine đã phát triển và sắp được tung ra thị trường có thể phòng ngừa hiệu quả với biến thể mới hay không.
Tiến sĩ Bharat Pankhania - Giảng viên Y khoa cao cấp, Đại học Exeter, Anh cho rằng: Cấu trúc protein của virus đã biến đổi, có nghĩa là đã có lỗi trong quá trình sinh sản. Theo mô hình phỏng đoán thì biến thể virus này có thể dễ lây lan hơn.
Ông Mark Walport - Cựu cố vấn khoa học Chính phủ Anh: Chủng virus mới dễ lây lan hơn. Một chút tin tốt là dường như chủng virus này cho đến nay không gây ra tình trạng bệnh tồi tệ hơn, điều này rất quan trọng. Và ở thời điểm này, chúng tôi nghĩ rằng vaccine vẫn có tác dụng.
Ông Hugo De Jonge - Bộ trưởng Y tế Hà Lan khuyến cáo: Thông tin ban đầu là vaccine sẽ vẫn có tác dụng với biến thể này, nhưng cần lưu ý là đột biến này vẫn có thể phát triển theo hướng lây lan nhanh hơn và gây bệnh nặng hơn. Vẫn còn nhiều điều chưa biết về biến thể virus này.
Bất luận ra sao thì virus biến thể cũng đang đặt thêm thách thức cho EU khi mà các nước châu Âu vẫn chưa thể khống chế được làn sóng dịch mới trong mùa Đông.
EU đánh giá thế nào về mối đe dọa từ virus biến thể tại Anh?
Trưa 21/12, Chính phủ Bỉ cho biết virus corona biến chủng đã lan tới Bỉ, Hà Lan, Đan mạch và Italy, nghi ngờ đã lan sang cả Czech và Slovakia. Các nhà khoa học cảnh báo virus biến chủng sẽ lan ra khắp châu Âu. Mục tiêu bây giờ là cố gắng kiềm chế, không để virus lan truyền quá nhanh.
Đường hầm Eurotunnel nối Anh và Pháp đã đóng cửa từ sáng 21/12
Dù cho virus biến chủng không nguy hiểm hơn, nhưng chỉ cần nó hành xử giống như con virus corona hiện tại, thì cũng đã là làm cho tình hình phức tạp hơn rất nhiều. Thực tế đang diễn ra tại Bỉ chẳng hạn, số lượng người nhiễm mới lại đang tăng nhanh trở lại, không rõ là do nhiễm virus cũ hay virus mới, tại nhiều nước châu Âu khác cũng tương tự, làm tăng lo ngại về làn sóng dịch bệnh lần thứ ba.
Những biện pháp mạnh nhất EU có thể đưa ra là gì?
Đóng cửa biên giới với nước Anh là biện pháp mạnh nhất, cấp bách nhất, được quyết ngay, trong khi các nhà khoa học còn chưa biết nhiều về chủng virus mới. Ngày 21/12, đại sứ các nước châu Âu họp khẩn cấp tại Bruxelles tìm cách thống nhất quy tắc hạn chế đi lại, sao cho ít gây xáo trộn nhất có thể cho vận tải hành khách và hàng hóa.
Để ngăn ngừa virus biến chủng thì không có cách nào khác ngoài các cách vẫn áp dụng như: đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách, đóng cửa hàng quán, tiêm chủng. Các chính phủ châu Âu một mặt đóng cửa với nước Anh, đồng thời gia tăng phòng dịch trong nước, siết thêm các hạn chế và trấn an người dân trong thời điểm nhiều người hoang mang, không rõ cứ thế này thì khi nào mới hết dịch.
Rút kinh nghiệm từ cách phản ứng ở thời điểm dịch bùng phát hồi đầu năm, lần này châu Âu đã có hành động nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là biến thể mới đã xuất hiện ở một số nước EU, đòi hỏi châu Âu cần phải hành động thống nhất trước sự biến đổi phức tạp và khó lường của virus.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!