Ấn Độ: G20 là khuôn khổ lý tưởng để thảo luận vấn đề khí hậu toàn cầu

PV-Thứ ba, ngày 07/02/2023 17:26 GMT+7

Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu.

VTV.vn - Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của G20.

Tổng thống Ấn Độ, bà Droupadi Murmu cho biết, G20 là khuôn khổ lý tưởng để thảo luận và tìm giải pháp cho các vấn đề "cấp bách nhất" như hiện tượng trái đất nóng lên và biến đổi khí hậu vốn đang ảnh hưởng nhiều nhất đến người nghèo.

Mới đây, Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu khẳng định: "Dưới sự dẫn dắt của Ấn Độ, tôi chắc chắn rằng G20 sẽ có thể tăng cường hơn nữa nỗ lực xây dựng một trật tự thế giới công bằng và bền vững hơn".

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của G20. Chính phủ Ấn Độ đã từng tuyên bố khi nhậm chức Chủ tịch G20 sẽ thúc đẩy dân chủ và chủ nghĩa đa phương. Ấn Độ xem G20 là diễn đàn thuận lợi để định hình thế giới với một tương lai tốt đẹp hơn.

Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu cho biết G20 đại diện cho khoảng 2/3 dân số thế giới và khoảng 85% GDP toàn cầu. Vì vậy, G20 là diễn đàn lý tưởng để thảo luận và tìm giải pháp cho các thách thức toàn cầu. "Theo tôi, hiện tượng trái đất nóng lên và biến đổi khí hậu là những vấn đề cấp bách nhất trong số đó. Nhiệt độ toàn cầu đang tăng lên và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang gia tăng... Thật không may, người nghèo là những người phải chịu hậu quả của các hiện tượng tiêu cực trên nhiều hơn những người khác", bà Droupadi Murmu  nói.

Bà Droupadi Murmu cũng cho biết sau một loạt sáng kiến của Ấn Độ trong những năm gần đây nhằm chuyển đổi tất cả các khía cạnh của công tác quản trị quốc gia và giải phóng năng lượng sáng tạo của người dân, thế giới đã bắt đầu nhìn Ấn Độ với một thái độ tôn trọng mới. "Sự tham gia của Ấn Độ vào các diễn đàn thế giới khác nhau đã bắt đầu tạo ra sự khác biệt tích cực. Ấn Độ đã giành được sự tôn trọng trên trường quốc tế đã mang lại những cơ hội cũng như trách nhiệm mới".

Bà Droupadi Murmu cho biết: Ấn Độ đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì giúp được nhiều người nghèo nhưng việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch cũng gia tăng, làm ô nhiễm môi trường. Trong mọi trường hợp, dù là hạn chế tăng trưởng kinh tế hay gia tăng ô nhiễm môi trường thì người nghèo đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng và trước tiên. Vấn đề này chỉ có thể giải quyết thỏa đáng khi tìm được các nguồn năng lượng thay thế.

"Ấn Độ đã nêu gương đáng kể theo hướng này bằng cách đưa ra chính sách thúc đẩy năng lượng mặt trời và xe điện. Tuy nhiên, ở cấp độ toàn cầu, các nền kinh tế mới nổi cần sự giúp đỡ từ các quốc gia tiên tiến dưới hình thức chuyển giao công nghệ và hỗ trợ tài chính", bà Droupadi Murmu nói.

Bà Murmu là Tổng thống đầu tiên của Liên minh dân chủ quốc gia cầm quyền tại Ấn Độ thúc đẩy cân bằng giữa phát triển và môi trường, với quan điểm cần phát huy các truyền thống với cách tiếp cận mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước