Ông ngoại ốm, mẹ bệnh nặng, nên cậu bé Phong luôn có ý thức giúp đỡ mẹ công việc nhà từ nấu cơm, quét dọn. Bản thân Phong cũng đã mang căn bệnh tim 14 năm nay.
Theo lời cầu cứu của người hàng xóm, men theo con đường nhỏ tôi hỏi thăm và được ông trưởng xóm dẫn tới nhà chị Vũ Thị Hạnh, thôn Dịch Diệp, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Căn nhà nhỏ ẩm thấp nằm lọt thỏm trong khu làng dệt sầm uất.
Ngồi tiếp chuyện với tôi là một người phụ nữ lam lũ, khuôn mặt hằn sâu lên sự khắc khổ, rồi nước mắt cứ thế lăn dài. Chị kể, chị sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em, mẹ mất sớm, như bao người con gái khác, lớn lên ai cũng mong muốn có 1 gia đình, một hạnh phúc riêng, nhưng với chị điều mong muốn nhỏ nhoi đến muộn màng khi chị ở cái tuổi “đã toan về già” mới có người hàng xóm để ý đến chị.
Nhưng khi mang thai đứa bé được 7 tháng thì người đàn ông đó phũ phàng bỏ rơi chị và đứa nhỏ chưa được một lần nhìn mặt cha. Tủi phận, nhiều lần chị tìm đến sự giải thoát, nhưng vì con, chị đã cố gắng gượng để sống. Chị sinh cháu khi mang trong mình bệnh tim bẩm sinh và bệnh viêm phổi mãn tính cộng với căn bệnh khớp hành hạ. Khó khăn lắm chị mới sinh hạ được cậu con trai kháu khỉnh, đứa bé chào đời, lớn lên mà không có sự yêu thương dạy dỗ của người cha nhẫn tâm ấy
Đứa con trai là niềm an ủi duy nhất đối với chị, chị dành mọi sự yêu thương, chăm sóc cho đứa con không cha ấy. Nhưng hạnh phúc nhỏ nhoi ấy đến với chị không trọn vẹn, đứa bé chào đời chưa được bao lâu thì chị biết được căn bệnh tim quái ác bao năm đeo đuổi người mẹ, giờ nó cũng bắt đầu rình rập mạng sống của đứa con thơ trong cảnh túng quấn của gia đình, chị chỉ biết ôm con mà khóc.
Nhưng ông trời không lấy đi hết tất cả của ai thứ gì, cậu bé Vũ Thanh Phong lớn lên, sống chung với bệnh, giờ đây nó đã 14 tuổi. Tuy nhiên, dù em đã học lớp 8 rồi mà nặng chỉ có 26kg. Chị muốn đưa nó đi khám mà nhà lại không có tiền, bởi cái ăn cái mặc còn phải lo từng bữa nói gì đến kiếm một khoản tiền lớn để đưa con đi chữa trị.
“Tôi khổ mấy cũng chịu được nhưng nhìn thằng bé phải mang trong mình căn bệnh của mẹ nói thì tôi không sao cầm lòng được, Hằng ngày ngày tôi đi làm thuê từ 7 giờ sáng đến 8h tối mới về, tháng nào làm đủ 30 công mới được 700 đến 800 nghìn, nhà lại không có ruộng, nên mọi sinh hoạt trong gia đình đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi ấy”, chị nói với tôi.
Vậy mà với số tiền ít ỏi đó chị lo toan cho cả gia đình, ông ngoại cháu năm nay đã ngoài 80 tuổi, sau khi bị tai biến nằm một chỗ, không nói, không đi lại được được, cũng may là hàng tháng ông được nhà nước hỗ trợ 180 nghìn đồng. Chị kể hàng ngày 3 ông cháu có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, số tiền lương của chị dành mua thuốc cho ông và thi thoảng mua thức ăn cho cháu. Có khi mua được ít thịt thì làm ruốc thật mặn để cho cháu ăn cả tuần gọi là có tí mỡ vào bụng.
“Mẹ con, ông cháu sống kham khổ thế nhưng được cái cháu nó cũng học giỏi và ngoan ngoãn. Đi học về là làm việc nhà giúp mẹ nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc ông, nhiều hôm tôi đi làm về muộn cháu nó ngồi học bài và chờ cơm mẹ, về nhìn con nhịn đói chờ mẹ mà tôi ứa nước mắt. ông ngoại nằm một chỗ, nói thật lòng tôi cũng thương bố tôi, để bố già nằm đó mà đi làm tôi cũng không cam tâm, nhưng vì cuộc sống mưu sinh chú ạ”, chị lại kể tiếp câu chuyện cuộc đời chỉ toàn nước mắt của gia đình mình.
Ngoài việc học hành, Phong còn chăm ông giúp mẹ, về nhà là vào ngồi bóp tay, bóp chân cho ông đỡ mỏi, rồi nấu cơm nấu nước dọn dẹp nhà cửa. Có những hôm mẹ đi làm về muộn, nhà hết gạo, nó vét trong thùng gạo được ít thì lại đem nấu cháo cho ông. Hai mẹ con lúc đó nhịn đói, và ôm nhau mà ứa nước mắt. Cuộc sống kham khổ thế mà Phong vẫn học giỏi. Năm nào cũng được học sinh giỏi.
2 năm nay Phong thi học sinh giỏi của huyện đều đạt điểm cao và có giấy gọi học trường chuyên, nhưng vì nhà nghèo quá, đi học lại xa, tiền ăn, tiền trọ nên em chỉ học ở trường làng. “Cháu bảo với tôi “ mẹ ơi, học ở đâu cũng thế, con sẽ cố gắng học, con không lên trên đó học đâu mẹ ạ, con đi thì ai chăm ông, ai nấu cơm cho mẹ khi mẹ đi làm về muộn…”, chị Hạnh tâm sự.
Căn bệnh tim của chị Hạnh suốt mấy tháng nay cứ hành hạ chị suốt. Nhiều đêm đi làm về mệt, đau quá tức cả vùng lồng ngực, Phong tỉnh giấc lại ngồi đấm lưng cho mẹ, ông ngoại nhìn sang thương con thương cháu mà không nói được, ông chỉ nằm đó mà khóc mà thương con, thương cháu. “Nó đấm lưng cho tôi rồi lại chạy sang với ông… Nghĩ thương cháu quá chú ạ. Tôi còn có sức còn làm được, bệnh của tôi, tôi biết tôi còn chịu được, nhưng còn cháu nó đã đủ không đủ lớn đâu. Tôi thương cháu, nhà nghèo, cái ăn cái uống còn phải lo từng bữa, nói đâu đến kiếm một số tiền lớn để chữa trị, mổ tim cho cháu”, lời nói của chị Hạnh khiến chúng tôi không khỏi xót xa.