Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan để hướng dẫn trích lập, quản lý, sử dụng quỹ này. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính sẽ hoạch định cơ chế cho quỹ bình ổn giá điện. Tuy nhiên, việc soạn thảo chưa bắt đầu vì quan điểm của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, cần để ngành điện xử lý xong các chi phí, khoản lỗ bị “treo”, hiện vẫn chưa tính vào giá điện.
Theo Quyết định 69, thay vì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể tính toán, đề xuất tăng giá điện 5% như hiện nay, theo quyết định mới, giá bán điện bình quân tới đây sẽ được điều chỉnh trong phạm vi khung với giá trần và giá sàn do Thủ tướng Chính phủ quy định (từ 2013-2015 sẽ ở mức 1.437-1.835 đồng/kWh).
Điểm mới là mỗi lần tăng giá, sẽ “chỉ được điều chỉnh tăng ở mức từ 7% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành”. Như vậy sẽ không còn những lần tăng giá 5%, tương đương gần 100 đồng/kwh như trước, giá điện sắp tới sẽ tăng tối thiểu 7%.
Theo quyết định của Thủ tướng, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 6 tháng thay vì 3 tháng một lần.