Phát hiện, can thiệp sớm bệnh tự kỷ ở trẻ

Kim Oanh, icon
08:49 ngày 15/12/2020

VTV.vn - Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển tâm trí sớm. Bệnh xuất hiện ngay từ những năm đầu đời, thường được phát hiện trong độ tuổi từ 2 - 10.

Hình minh họa.

Trẻ tự kỷ thường tự cô lập bản thân với thế giới xung quanh, thiếu tự chủ, không phát triển nhận thức, đi kèm với đó là những hành vi cứng nhắc, dập khuôn, lặp đi lặp lại nhiều lần, gây ra những ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng cho trẻ. Vì vậy, cha mẹ và người trực tiếp chăm sóc trẻ cần chú ý phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ trẻ mắc tự kỷ để có hướng điều trị kịp thời tránh ảnh hưởng đến chức năng của trẻ.

Theo các bác sĩ chuyên khoa tâm lý, tự kỷ có nhiều dạng khác nhau và mức độ biểu hiện ở mỗi cá nhân khác nhau. Do vậy, việc chẩn đoán, phát hiện sớm gặp nhiều khó khăn. Biểu hiện của bệnh xuất hiện từ sớm có thể từ 6 tháng và rõ nét từ 2 - 3 tuổi, việc chẩn đoán bắt đầu càng sớm càng tốt, từ 18 tháng trở đi.

Dấu hiệu giúp phụ huynh nhận biết trẻ có nguy cơ tự kỷ: Trẻ ít cười, ít giao tiếp bằng mắt, gọi trẻ không đáp ứng, trẻ không biết bắt chước, không biết chơi giả bộ, trẻ thích chơi một mình, trẻ chậm nói, trẻ có một số sở thích đặc biệt và cứng nhắc: thích chơi xe, quay bánh xe, thích nhìn quạt hay các vật xoay tròn, thích đi nhón chân, thích gặm áo quần… Nếu trẻ có các biểu hiện trên, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám tại bệnh viện hoặc phòng khám có uy tín càng sớm càng tốt.

Tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, bình quân mỗi ngày tiếp nhận 1 - 2 trường hợp trẻ tự kỷ được gia đình đưa tới để tư vấn điều trị. Cho đến nay, nguyên nhân cụ thể của tự kỷ còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy yếu tố gen, môi trường, hoặc là kết hợp giữa gen, môi trường là nguyên nhân gây tự kỷ. Một số yếu tố nguy cơ: đẻ non, đa thai, mẹ lớn tuổi, dùng một số loại thuốc và hóa chất trong quá trình mang thai …

Bác sĩ Lê Thị Kiều Ngân, Khoa Nhi tổng hợp cho biết: Điều trị trẻ tự kỷ là một quá trình lâu dài và rất nhiều khó khăn, cần có sự kết hợp giữa phụ huynh, giáo viên chuyên biệt, bác sĩ nhi khoa, chuyên viên tâm lý, âm ngữ trị liệu, nhà trường… và việc điều trị dựa trên nguyên tắc giảm thiểu những khiếm khuyết về tương tác, giao tiếp, hành vi sở thích và những khiếm khuyết liên quan. Tối đa khả năng tự lập, qua việc hỗ trợ trẻ học tập, có được những kỹ năng tự chăm sóc và sinh hoạt hằng ngày, phát triển những kỹ năng vui chơi, giải trí. Giảm thiểu những hành vi bất thường ảnh hưởng đến chức năng của trẻ.

Theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ tự kỷ ngày càng gia tăng trên thế giới, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tại Đắk Lắk, vài năm trở lại đây, ngoài Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh, một số cơ sở tư nhân cũng áp dụng mô hình can thiệp sớm và điều trị trẻ tự kỷ. Can thiệp sớm chính là việc lên kế hoạch và thực hiện các biện pháp, dịch vụ có chất lượng hỗ trợ các nhu cầu và khả năng của trẻ để thúc đẩy phát triển hay các can thiệp hành vi được thực hiện bởi các giáo viên chuyên biệt thông qua các giờ học cá nhân 1 kèm 1.

Trẻ bị tự kỷ cần được can thiệp sớm trong 5 năm đầu nhằm kích thích và huy động tối đa sự phát triển của trẻ làm giảm nhẹ hay khắc phục những khuyết tật của trẻ, trẻ sẽ được trợ giúp để phát triển ngay từ đầu các kĩ năng ngôn ngữ, xã hội, nhận thức để trẻ có cơ hội học tập và có một cuộc sống càng bình thường càng tốt, dễ hòa nhập hơn với cộng đồng.

Biện pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ bao gồm: Luyện tập, giáo dục cho trẻ các kĩ năng ngôn ngữ, nhận thức, xã hội và kĩ năng tự phục vụ bản thân. Trẻ tự kỷ cần được đánh giá, hướng dẫn tập luyện bởi đội ngũ nhiều chuyên gia như bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ tâm thần nhi, nhà tâm lý, cán bộ phục hồi chức năng, nhà trị liệu ngôn ngữ, giáo viên giáo dục đặc biệt. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ được hướng dẫn, tư vấn để hỗ trợ trẻ ngay tại gia đình và cần kết hợp chặt chẽ với các nhà chuyên môn để có hiệu quả tốt nhất.

Việc can thiệp có thể không dừng lại ở 5 tuổi mà có thể kéo dài tới khi trẻ vào trường phổ thông nếu điều này là cần thiết và có lợi cho trẻ. Sự cảm thông, thấu hiểu của gia đình và xã hội là một trong những phương pháp điều trị về mặt tâm lý rất tốt, có vai trò quan trọng quyết định hiệu quả điều trị của trẻ tự kỷ.

Bác sĩ Lê Thị Kiều Ngân nhấn mạnh: Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường về hành vi như trẻ ít cười, ít biểu lộ cảm xúc tình cảm với cha mẹ, thích chơi một mình, kém tương tác với những người xung quanh, mối quan tâm bị thu hẹp, hành vi rập khuôn, trẻ quá chậm nói so với tuổi hoặc trẻ bị mất hẳn kỹ năng ngôn ngữ được xem là những dấu hiệu cảnh báo sớm gợi ý cho cha mẹ và thầy cô giáo nhận diện rất có khả năng trẻ bị mắc chứng tự kỷ, nhất là trẻ trong độ tuổi từ 18 - 24 tháng tuổi. Phụ huynh cần chấp nhận tìm hiểu và biết rõ về tự kỷ, hiểu rõ về khả năng của con mình để từ đó phối hợp với giáo viên chuyên biệt, bác sĩ, nhà trường, và một số chuyên môn khác (tùy điều kiện và hoàn cảnh của mỗi gia đình) để giúp con mình trong quá trình điều trị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục