Liên cầu khuẩn tan máu nhóm B - Tác nhân hàng đầu gây biến chứng thai kỳ và nhiễm trùng sơ sinh

P.V, icon
07:26 ngày 26/05/2023

VTV.vn - Liên cầu khuẩn tan máu nhóm B (GBS) là một trong những tác nhân hàng đầu gây biến chứng thai kỳ và nhiễm trùng sơ sinh.

Thăm khám cho con của sản phụ nhiễm liên cầu khuẩn tan máu nhóm B đã được điều trị sau sinh. Ảnh: BVCC

Liên cầu khuẩn nhóm B Streptococcus (GBS) là một loại vi khuẩn thường tìm thấy ở hệ tiêu hóa, tiết niệu và sinh dục của phụ nữ. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) năm 2020, tỷ lệ phụ nữ mang thai có GBS trong trực tràng và âm đạo từ 10-30%, 50% thai phụ sẽ truyền vi khuẩn cho con, 1-2% thai nhi mang vi khuẩn có thể bị nhiễm khuẩn sơ sinh sớm nếu không được điều trị.

Thời gian qua, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã tiếp nhận quản lý thai sản, đỡ đẻ và phẫu thuật lấy thai cho không ít trường hợp thai phụ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Liên, Khoa Sản, Bệnh viện Bãi Cháy, hầu hết phụ nữ mang thai bị liên cầu khuẩn tan máu nhóm B không có triệu chứng và thai nhi của họ phát triển bình thường. Tuy nhiên đối với phụ nữ mang thai, nhiễm GBS có thể tăng nguy cơ phát triển một số bệnh của phụ nữ mang thai như nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng niêm mạc tử cung, gây ra một số biến chứng nghiêm trọng trong thai kỳ như chuyển dạ sinh non, ối vỡ sớm, nhiễm trùng ối, sảy thai, thai lưu.

Trẻ sơ sinh thường nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B từ mẹ trong quá trình chuyển dạ. Đa số trẻ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B có thể tự khỏi mà không cần điều trị, chỉ có 1-2% trẻ nhiễm có thể tiến triển thành bệnh với những biến chứng nặng như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng máu và có thể tử vong, đặc biệt đối với trẻ sinh non.

Tại Bệnh viện Bãi Cháy, tất cả các phụ nữ mang thai tới thăm khám đều được quản lý thai sản định kỳ, chỉ định thực hiện xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B để phòng tránh nguy cơ nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh. Theo đó, việc thực hiện xét nghiệm phát hiện GBS đối với thai đơn ở tuần thai thứ 35-37 tuần 6 ngày; đa thai ở thời điểm tuần thứ 32-34 tuần.

Khi tiến hành xét nghiệm, bác sĩ sẽ lấy mẫu thử từ âm đạo và trực tràng, gửi đến phòng xét nghiệm để nuôi cấy trong môi trường đặc biệt tìm GBS và đưa ra kết luận chính xác nhất sau 2 - 3 ngày xét nghiệm. Những thai phụ được xác định dương tính với Liên cầu khuẩn nhóm B sẽ được điều trị và thực hiện các biện pháp dự phòng lây truyền sang trẻ sơ sinh như tiêm kháng sinh đường tĩnh mạch trong khi chuyển dạ để giảm nguy cơ trẻ sinh ra bị nhiễm trùng.

Với những trẻ được sinh đủ ngày đủ tháng và mẹ đã được tiêm kháng sinh trước sinh 4 giờ: Trẻ không cần được theo dõi đặc biệt sau sinh. Đối với trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm GBS không điều trị hoặc điều trị dưới 4h sẽ được chuyển điều trị, theo dõi đặc biệt tại đơn nguyên hồi sức tích cực sơ sinh khi xuất hiện các dấu hiệu như khóc thét hoặc li bì, giảm trương lực cơ, bỏ bú, nhiệt độ cơ thể dưới 36 độ C hoặc trên 38 độ C, thở nhanh, thay đổi bất thường màu da…

Liên cầu tan máu nhóm B là mối nguy đe dọa sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ mang thai nên theo dõi thai sản định kỳ, xét nghiệm tầm soát sớm GBS tại các cơ sở chuyên khoa để tránh những biến chứng nguy hiểm trong quá trình sinh nở và hạn chế nhiễm trùng sơ sinh cho trẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục