Đột quỵ gia tăng ở người trẻ tuổi

Hồng Vân, Đình Thi, icon
06:27 ngày 12/12/2022

VTV.vn - Đột quỵ ngày càng trở thành nỗi ám ảnh cho mọi lứa tuổi, đặc biệt người trẻ và trung niên đang có xu hướng gia tăng.

Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: BVCC

Tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, bình quân mỗi ngày tiếp nhận và cấp cứu cho hơn 10 bệnh nhân bị đột quỵ. Đa số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, khó thở, đau tức ngực, tay chân tê yếu, huyết áp tăng.

Anh Đ.P. (24 tuổi, trú tại xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) là trường hợp điển hình. Người nhà anh cho biết, thỉnh thoảng anh bị đau tức giữa ngực, toát mồ hôi, đau đầu. Trước đây anh có bị bệnh đau dạ dày. Khi thấy khó thở, đau tức ngực, người mệt, đau đầu dữ dội, anh được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán anh bị huyết áp tăng đột ngột.

Trường hợp khác là anh N.X.T., 40 tuổi ở phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Anh cho biết: Trước đây, mỗi lần đo huyết áp thấy chỉ số hơn 160 nhưng thấy cơ thể không có gì bất ổn nên anh cho rằng đó là chỉ số bình thường ở bản thân mình. Trong một chuyến công tác tại tỉnh Đồng Nai, buổi tối đồng nghiệp nhìn thấy anh bị méo miệng nên đã đưa anh đến cơ sở y tế. Tại đây, các bác sĩ cho biết anh T. bị biến chứng do tăng huyết áp.

Bác sĩ Lê Thành Tâm - Khoa Cấp cứu và Can thiệp tim mạch, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Đột quỵ thường gặp trên các đối tượng trung niên, nam giới, có thói quen hút thuốc lá, hay tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường.

Qua thống kê, đánh giá của các chuyên gia, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa do lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh, không kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do thói quen thức khuya, ngủ không đủ giấc, duy trì chế độ dinh dưỡng không hợp lý như ăn đồ ăn nhanh chứa nhiều đường, muối, dầu mỡ, ít hoặc không có thói quen vận động hàng ngày, hay khi bị căng thẳng, lo âu quá mức, sử dụng rượu bia, thuốc lá…

Những biểu hiện như đột ngột yếu, tê hay liệt mặt, tay hoặc chân (đặc biệt ở một bên của cơ thể); không nói được hoặc khó khăn trong nói hay hiểu ngôn ngữ; đột ngột mất thị lực, đặc biệt chỉ ở một mắt; nhức đầu dữ dội mà không có nguyên nhân rõ ràng… Nhiều người thường không có triệu chứng điển hình chỉ khi thấy trong người hơi mệt mỏi, hoa mắt, khó thở thì mới đi khám, đau đầu dữ dội thậm chí tự nhiên ngã lăn ra, khi đưa đến cơ sở y tế mới phát hiện bị đột quỵ.

Bác sĩ Lê Thành Tâm khuyến cáo: Lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh, áp lực công việc, chủ quan trong việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng đột quỵ ở người trẻ. Để phòng ngừa sự phát triển bệnh, ngoài việc lưu ý sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, người dân nên có lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng hợp lý, việc kiểm soát các bệnh có liên quan cũng góp phần quan trọng trong quá trình điều trị.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục